Mỗi năm thường đến cuối tháng 12 Âm lịch, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày lễ của năm tới, gia đình tôi lại bàn bạc, lên lịch cho các hoạt động của nhà mình trong cả năm, rằng chúng tôi sẽ làm gì với các dịp lễ đó, tùy thuộc vào số ngày được nghỉ.
Nếu ở lại thủ đô vào ngày lễ thì đơn giản, còn nếu muốn đi du lịch thì chúng tôi phải căn cứ vào số ngày nghỉ để đặt phòng, đặt vé sớm, nhằm có những chuyến đi chất lượng với chi phí hợp lý nhất.
Thế nên, cuối tuần vừa rồi, khi biết tin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hoán đổi ngày làm việc 29/4 sang một dịp khác để người dân được nghỉ liền 5 ngày đợt lễ 30/4 và 1/5, tôi không thấy vui.
Chắc rằng sẽ có nhiều người đồng tình với đề xuất này. Đó là những người quá mệt mỏi với công việc, mong được nghỉ ngơi, hay những người được trả lương cho cả ngày nghỉ chứ không phải là lao động khoán ngày công, hễ nghỉ là không có thu nhập. Đó cũng có thể là những người kinh tế dư dả muốn có những chuyến đi chơi dài....
Nhưng, luôn có những người như tôi, thấy kỳ nghỉ dài đồng nghĩa với việc xuất hiện bao nhiêu băn khoăn, lo lắng, bao nhiêu việc phải thu xếp, xử lý lại.
Thứ nhất, rõ ràng việc đề xuất, xin ý kiến thay đổi kế hoạch nghỉ chỉ 3 tuần trước khi dịp lễ diễn ra là một kiểu nước đến chân mới nhảy. Đây là chuyện liên quan đến hàng chục triệu người lao động nhưng được đưa ra bàn khi chỉ còn ít ngày, khi mà rất nhiều cơ quan thậm chí đã thông báo lịch làm việc tháng với nhân viên, như cơ quan tôi chẳng hạn.
Thứ hai, Tết Nguyên đán qua chưa lâu, đến hôm nay còn chưa hết tháng 2 âm lịch. Dư âm uể oải sau một kỳ nghỉ dài mới hết. Với nhiều phụ nữ như tôi, cảm giác sợ hãi một cái tết nai lưng ra làm bao việc vẫn còn vướng vất; tài chính của năm mới chưa kịp tích lũy thì đã xuất hiện những lo toan về một kỳ nghỉ dài với nhiều chi phí cần bỏ ra.
Rất khó để 5 ngày nghỉ chỉ bắt con cái quanh quẩn góc nhà. Sẽ phải có những chuyến đi chơi, sẽ phải thay đổi không khí một chút. Giá cả cho mọi hoạt động dịp lễ sẽ đắt hơn ngày thường...
Mọi việc mình muốn đều cần có tiền, nhưng tiền ở đâu ra cho những hoạt động đó với những gia đình nghèo hoặc trung bình sau một cái Tết tốn kém vừa qua? Nếu "ứng" chút chi phí dành dụm cho mùa hè sắp tới để dùng trước, thì đến hè, tiền đâu để xài tiếp?
Thứ ba, lũ trẻ học phổ thông như con tôi sắp bước vào kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp. Nhiều trường đang rục rịch tuyển sinh. Các trường khác cũng đang cho học sinh ôn thi. Nghỉ dài ngày, khi quay trở lại, bố mẹ con cái đều phải gồng lên với một nhịp mới, độ trễ cứ nối nhau.
Đấy là chưa nói, học sinh từ cấp 2 phải học thứ 7, nghĩa là các con chỉ nghỉ được 4 ngày, tuần sau đó phải học bù vào chủ nhật, không có ngày nghỉ. Như thế không phải quá mệt mỏi sao?
Nhà tôi có cô em làm nhân viên tại một nhà hàng. Em rất sợ lễ, tết. Dịp đó, em phải tăng cường, làm full-time, trừ trường hợp bất khả kháng thì không được nghỉ, sau lễ có thể được nghỉ bù. Khách đông, thêm được chút xíu tiền lương nhưng bố mẹ phải đi làm thì con cái không thể được đi chơi. Đến lúc bố mẹ được nghỉ thì con cái phải đi học, bạn bè, người thân đi làm hết cả, đi chơi với ai lúc đó?
Còn không ít nghề nghiệp đặc thù khác mà người lao động phải đi trực, phải làm tăng cường độ so với ngày thường. Hoán đổi thì ngày nghỉ dài, họ càng mệt hơn. Hai kỳ lao lực là Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ 30/4-1/5 sắp tới (nếu được phê duyệt), lại quá gần nhau, quả thực là nghĩ đã thấy kiệt sức.
Vì thế tôi cho rằng, quy định về từng dịp nghỉ lễ thế nào thì cứ vậy mà áp dụng, không cần hoán đổi. Nếu hoán đổi thì cũng cần có công thức rõ ràng để trở thành cơ chế tự động, người dân cũng như các cơ quan, công sở có thể tự tính và biết ngay từ đầu năm.
Như vậy, mọi công dân đều có thể nhìn lịch để hoạch định công việc, lên kế hoạch. Các tổ chức cũng không phải băn khoăn rằng năm nay dịp lễ này được nghỉ mấy ngày, hay ngóng ngóng, chờ chờ các văn bản, công bố của cơ quan chức năng.
Người lao động đi làm đều có chế độ nghỉ phép, ai có kế hoạch dài cần nghỉ thêm đều có thể cân nhắc xin cắt phép, những người còn lại thì cứ theo lịch chung.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận