• Zalo

"Tôi chưa thấy ai bị phạt vì vi phạm an toàn đường sắt"

Thời sựThứ Tư, 08/02/2012 04:38:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Tôi chưa thấy người tham gia giao thông nào bị phạt vì vi phạm Luật an toàn giao thông đường sắt", Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt nói.

(VTC News) - “Thực tế, tôi chưa thấy người tham gia giao thông nào bị phạt vì vi phạm Luật an toàn giao thông đường sắt”, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt nhận xét.


>>Tai nạn đường sắt, vẫn là do ý thức người dân?
>> Ngày nào cũng tai nạn đường sắt, mục tiêu giảm đổ bể?

Trước thực trạng tai nạn giao thông đường sắt liên tục gia tăng từ đầu năm tới nay, đặc biệt trong tháng 2 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng hàng chục người, và làm hàng chục người khác bị thương. Chỉ tính riêng trong ngày 3/2, cả nước đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt, làm 5 người chết, 8 người bị thương.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, và trách nhiệm của ngành đường sắt với sự gia tăng tai nạn giao thông đường sắt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).

PV - Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân của những vụ tai nạn đường sắt thời gian gần đây?

Ông Phạm Văn Bình: Chưa bao giờ thấy người vi phạm hành lang an toàn đường sắt nào bị xử lý.

Ông Phạm Văn Bình: Trước tiên là do ý thức của người tham gia giao thông đường bộ, người dân sinh sống ở gần đường sắt. Còn tai nạn do nguyên nhân chủ quan từ phía ngành đường sắt chiếm tỉ lệ rất thấp, dù đường sắt Việt Nam rất lạc hậu.

10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 3% số vụ tai nạn đường sắt do nguyên nhân chủ quan của ngành đường sắt. Như năm 2011, có trên 500 vụ tại nạn đường sắt, nhưng nguyên nhân do chủ quan của chúng tôi chỉ có 16 vụ (3%). Có nhiều vụ việc, đèn báo rồi mà người dân vẫn qua, thậm chí có rào chắn mà còn nâng rào chắn lên để đi.

Luật an toàn giao thông đường sắt đã có, nhưng nhiều điểm còn bất hợp lý, hoặc chúng ta không xử lý nghiêm người vi phạm. Theo quy định vượt qua rào chắn đường sắt chỉ bị phạt 50.000 đồng, như vậy không đáng kể.

Thực tế, tôi chưa thấy người tham gia giao thông nào bị phạt vì vi phạm Luật an toàn giao thông đường sắt. Tôi chỉ thấy Thanh tra giao thông đường sắt phạt một số nhân viên của ngành.

- Trong vài năm trở lại đây, đầu năm tai nạn đường sắt lại gia tăng đột biến, ông có đánh giá gì về thực tế này, và trách nhiệm của ngành đường sắt ra sao?

Chúng tôi luôn xác định, Tết và mùa lễ hội sau Tết mật độ người tham gia giao thông rất cao. Ngoài ra, vào dịp Tết người dân dùng rượu bia nên sức khỏe không được tốt, thiếu tỉnh táo khi tham gia giao thông. Nên cứ vào thời điểm Tết là tai nạn giao thông đường sắt gia tăng.

Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, thanh kiểm tra… Tuy nhiên, những việc này chỉ hiệu quả với nhân viên đường sắt, còn với người dân thì phụ thuộc vào ý thức của họ.

Chúng tôi là doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước, nhiều khi chức năng, nhiệm vụ cũng bị nhiều hạn chế. Cục Đường sắt (Bộ GTVT), mới là cơ quan quản lý nhà nước, được Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia giao thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn đường sắt.

- Ông có thể cho biết những thiệt hại ngành đường sắt phải gánh chịu do tai nạn đường sắt gây ra?

Khi tai nạn xảy ra ngành đường sắt chịu rất nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngành. Vì đường của mình là đường đơn, mỗi vụ tai nạn xảy ra, không chỉ chậm một đoàn tàu, mà cả hệ thống các tàu khác cũng bị chậm lại, thiệt hại rất nhiều.

Theo Luật quy định, ai gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại, nhưng có nhiều vụ chẳng bắt ai bồi thường được. Như vụ tai nạn làm chết 3 người do đi vệ sinh xảy ra ở Hà Nam hôm 3/2 vừa qua, theo Luật họ phải đền bù thiệt hại cho đường sắt, nhưng đâu có bắt đền họ được. Thậm chí, chúng tôi còn phải quay lại hỗ trợ nhân đạo cho họ.

Hay như vụ tai nạn đường sắt ở Hà Nam năm 2011, tòa phán quyết người điều khiển ô tô gây tai nạn phải đền bù cho ngành đường sắt 2,9 tỉ đồng, và bị phạt tù 7 năm. Nhưng chúng tôi đến thì thấy nhà họ rất nghèo, chồng đã đi tù, còn mình vợ với mấy đứa con nheo nhóc, họ lấy đâu tiền mà đền.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Hà Nam năm 2011, toàn bộ thiệt hại do tai nạn ngành đường sắt đều phai tự gánh chịu. 

- Hiện nay trên cả nước có rất nhiều đường ngang, 2/3 trong số đó là đường ngang bất hợp pháp, vậy Tổng Công ty có đề xuất, kiến nghị gì để giải quyết thực trạng này?

Tình trạng đường ngang có từ lâu, nhưng việc giải quyết triệt để thì chưa làm được. Hiện nay cả nước có trên 6.000 đường ngang, trong đó có hơn 4.800 đường ngang bất hợp pháp (chiếm 3/4). Chúng tôi đã đề xuất rất nhiều biện pháp, nhưng có làm được hay không là do cơ quan chức năng và các địa phương.

Chúng tôi được nhà nước giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi phát hiện người dân mở đường ngang trái phép, hoặc cố tình xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vi phạm hành lang an toàn đường sắt… chúng tôi không thể phạt họ, thậm chí lập biên bản cũng không được, vì không có thẩm quyền đó. Chỉ có thể đi báo cơ quan địa phương, công an, thanh tra giao thông đến lập biên bản, xử lý…

Hiện nay việc quản lý đường ngang qua đường sắt với chúng tôi rất khó, vì chúng tôi chỉ là một doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam: Đau lòng va nhiều sức ép vì tai nạn đường sắt.

Trước thực trạng tai nạn đường sắt gia tăng, ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng: “Đầu tháng 2/2012, xảy ra một số vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, do yếu tố khách quan, và ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, nhiều tài xế do không rõ đường nên đi vào đường sắt không chú ý…”

“Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tôi cũng rất đau lòng, chúng tôi cũng chịu sức ép nặng nề. Nó không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh ngành đường sắt, còn gây áp lực tinh thần rất lớn đến tài xế tàu chúng tôi. Tai nạn đường sắt đừng nói trách nhiệm của một ai, mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì để giảm tai nạn nếu chỉ một người thì không thể làm được”, ông Tường giãi bày.

Lê Việt(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn