(VTC News) - “Tính chất của các vụ tai nạn giao thông đường sắt năm nay đặt vào ý thức của người tham gia giao thông, và đây là vấn đề đặt ra cần thực hiện trong thời gian sắp tới”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá.
>> Ngày nào cũng tai nạn đường sắt, mục tiêu 10% đổ bể?
Đánh giá về thực tế tai nạn đường sắt thời gian qua liên tục tăng, ông Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận, thực tế tai nạn đường sắt năm 2011 tăng khoảng 30% so với năm 2010.
Trước tình hình tai nạn đường sắt tăng đột biến như vậy, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp và chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần tăng cường đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong những dịp Tết.
“Theo thống kê tai nạn đường sắt đợt Tết vừa qua, so với cùng kỳ 2011 thì có giảm hơn, tuy nhiên nó có diễn biến hơi bất thường, là số vụ tai nạn nghiêm trọng lại tăng hơn và các vụ tai nạn này không xảy ra ở những khu vực nguy hiểm”, ông Hiệp nói. Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu SE8 với một taxi tại huyện Thường Tín (Hà Nội), ngày 29/1/2012.
Ông Hiệp dẫn chứng, như vụ tai nạn đường sắt ở gần ga Bắc Hồng (huyện Đông Anh, ngày 3/2), dù có rào chắn nhưng ô tô vẫn đi qua được. Hay vụ tai nạn ở Hà Nam (cùng ngày 3/2), một gia đình đi vệ sinh bị tàu cuốn vào…
Vì vậy, theo ông Hiệp, tính chất của các vụ tai nạn giao thông đường sắt năm nay liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông, và đây là vấn đề đặt ra cần thực hiện trong thời gian sắp tới.
“Mỗi vụ tai nạn có nguyên nhân khác nhau, đặc biệt đối với những chỗ có nhân viên gác chắn vẫn để xảy ra tai nạn, thì cần phải rà soát và kiểm điểm nghiêm túc lại quy trình làm việc của nhân viên gác chắn, có làm đúng quy trình không, nếu nhân viên không làm đúng quy trình thì cần phải xử lý nghiêm khắc”, ông Hiệp khẳng định.
PV - Các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, vậy theo ông trách nhiệm của ngành đường sắt như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo báo cáo ban đầu chúng tôi nhận được, năm nay các vụ tai nạn nghiêm trọng, chết nhiều người chủ yếu do người người điều khiển phương tiện cố tình vượt đường sắt. Thậm chí vụ tai nạn ở Quảng Ngãi, khi tàu gần tới tất cả các xe đều đã dừng lại, nhưng riêng chiếc xe ô tô gây tai nạn vẫn cố tình vượt qua, nên mới dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng.
Về trách nhiệm của ngành đường sắt, trước tiên phải rà soát lại tất cả các đường ngang có người chắn hay không có người chắn. Đặc biệt là những đường ngang không có người chắn, phải lắp các biển cảnh báo. Vị trí nào có nguy cơ tai nạn cao thì phải cử người gác chắn thường xuyên. Ngoài ra, ngành đường sắt phải tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm ngặt quy định an toàn của ngành khi qua đường sắt.
PV - Về nguyên nhân tai nạn, ngành đường sắt cho rằng tai nạn nhiều vì hệ thống cảnh báo tàu chưa hoàn thiện, đường ngang nhiều… Vậy trong thời gian tới Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ có những chỉ đạo cụ thể gì để chấn chỉnh tình trạng này?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Sắp tới Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ có cuộc làm việc riêng với Cục Đường sắt (Bộ GTVT) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Thứ nhất, ngành đường sắt phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân ở những nơi có tuyến đường sắt đi qua chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông đường sắt.
Thứ hai, là đảm bảo tuyệt đối hành lang an toàn đường sắt toàn tuyến. Đối với đường sắt hành lang an toàn rất quan trọng, nếu người và phương tiện cách hành lang không chuẩn sẽ bị tàu cuốn vào ngay.
Thứ ba, phải rà soát lại hệ thống đường ngang trên tuyến đường sắt. Hiện nay cả nước có khoảng 6.000 đường ngang, nhưng chỉ có gần 2.000 đường ngang có phép, như vậy là 2/3 số đường ngang không phép. Ngành đường sắt phải làm việc lại với tất cả các địa phương để rà soát lại các đường ngang, kiên quyết rào chắn không cho đi vào đường ngang trái phép. Đồng thời phải rà soát lại các biển báo chưa chuẩn, báo muộn thì phải điều chỉnh lại cho hợp lý hơn.
Đối với chỗ xung yếu hay xảy ra tai nạn, phải có người gác chắn, người gác chắn này có thể lấy từ lực lượng tình nguyện tại chỗ, cũng có thể là lực lượng tăng cường của đường bộ để gác chắn, vì lực lượng đường sắt hiện nay không đủ để rải ra toàn tuyến.
- Xin cám ơn ông!
Lê Việt(ghi)
Bình luận