Tính đến hết ngày 16/12, Việt Nam tiêm được hơn 135 triệu liều, đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt. 77% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, 60% dân số được tiêm mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam/tổng số dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia, Brunei).
Về tốc độ tiêm chủng, trong tháng 11 vừa qua, trung bình mỗi ngày cả nước tiêm 1-1,5 triệu liều vaccine, tốc độ tiêm đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện Việt Nam tiếp nhận tổng cộng gần 169 triệu liều vaccine, trong đó mua từ ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là hơn 88 triệu liều.
Để chấm dứt đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt mục tiêu ít nhất 40% dân số tất cả quốc gia được tiêm đủ liều vaccine vào cuối năm 2021, 70% dân số vào giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều, vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.
Theo Bộ Y tế, thời gian tới, các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ đảm bảo bao phủ đủ mũi cho người từ 12 tuổi trở lên. Ngành y tế cũng đề xuất nhu cầu vaccine và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022 - 2023 đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1) đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19.
Bộ Y tế cho phép, F1 đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi COVID-19 trong 6 tháng, được cách ly y tế tại nhà 7 ngày, tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, người cách ly phải tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).
Bình luận