Báo cáo "Ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động giao vận" do iPrice Group và Parcel Monitor đồng thực hiện thu thập và phân tích dữ liệu 1,4 triệu đơn hàng thương mại điện tử (TMĐT) tại khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn dịch bệnh.
Báo cáo cho thấy dù COVID-19 đẩy mạnh tăng trưởng của các sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng lại đặt ra thách thức đối với ngành giao vận thương mại điện tử tại Đông Nam Á.
Theo báo cáo từ Google, lĩnh vực TMĐT của khu vực Đông Nam Á chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ngay trước đại dịch.
Tốc độ tăng trưởng vượt gần 600% chỉ trong 4 năm, từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD trong năm ngoái. Chưa dừng lại ở đó, dự báo lĩnh vực TMĐT sẽ vượt 150 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Richard Wong, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận CNTT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công ty tư vấn nghiên cứu Frost & Sullivan, giãn cách xã hội trong giai đoạn đại dịch càng thúc đẩy sự phát triển của các sàn TMĐT, đặc biệt trong nhóm hàng hóa thực phẩm và đồ gia dụng.
Lượng giao dịch trực tuyến đối với hàng tạp hóa và thực phẩm tại Đông Nam Á tăng từ 50 đến 400% chỉ trong hai tháng kể từ tháng 3/2020.
Một số sàn thương mại điện tử chứng kiến tổng giá trị hàng hóa tăng ít nhất 50% trong cùng giai đoạn này. Trang thương mại điện tử Lazada báo cáo dịch vụ tạp hóa trực tuyến Redmart có doanh số hàng tuần cao gấp gấp ba lần ở Singapore.
Tiến sĩ Jeroschewski Arne Jeroschewski, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty tracking vận chuyển Parcel Perform, đánh giá: “Nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sẽ có nhiều cơ hội cho những công ty mới trong ngành hậu cần để tận dụng sự tăng trưởng của TMĐT".
Tốc độ giao hàng và độ hài lòng khách hàng giảm
Tuy nhiên, quy mô tăng trưởng nhanh đi kèm những bất cập khách quan. Kết quả từ khảo sát iPrice cho thấy trung bình trong thời kỳ giãn cách xã hội tháng 4 và 5, thời gian giao hàng TMĐT tại các nước Đông Nam Á tăng 52%, đạt tốc độ trung bình 2,8 ngày/đơn hàng. Tốc độ này chậm đi gần 1 ngày so với thời gian giao hàng trung bình trong thời điểm trước đại dịch.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lai Chang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty giao vận Ninja Van chia sẻ có ba nguyên nhân chính gây ra khó khăn cho hoạt động giao vận TMĐT chung trên toàn khu vực.
Theo ông, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tăng nhanh dẫn đến số lượng kiện hàng cần chuyển phát tăng vọt. Lượng truy cập vào các trang TMĐT như Lazada, Shopee, Zalora tăng đến 60% trong hai tháng đỉnh điểm giãn cách xã hội.
Thêm vào đó, các gói bưu kiện cồng kềnh hơn do nhu cầu mua sắm chuyển dịch từ các sản phẩm thời trang hay thiết bị cầm tay gọn nhẹ sang thực phẩm đóng hộp với số lượng lớn, thiết bị nhà bếp, thiết bị văn phòng. Đồng thời, lượng hàng hóa trong mỗi đơn hàng tăng khiến bưu kiện cồng kềnh hơn trước.
Mặt khác, trong giai đoạn giãn cách xã hội, số giờ nhân viên chuyển phát làm việc giảm đi để đảm bảo tính an toàn. Tốc độ giao hàng chậm hơn đã ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng trong giai đoạn qua.
Theo đại diện Parcel Monitor, trong giai đoạn tháng 4 và 5, lượng khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ và số bưu kiện thất lạc gia tăng hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch.
Bình luận