Năm 2017 được đánh giá là một năm đầy biến động của thị trường ô tô với nhiều chính sách thuế "đối đầu" lẫn nhau. Khởi đầu năm 2017, các doanh nghiệp ô tô trong nước đã đối đầu nhau bằng “cuộc chiến giảm giá xe”.
Hàng loạt mẫu ô tô giảm “sốc” trên thị trường, rất nhiều sản phẩm giảm giá tới 100 triệu, 200 triệu, thậm chí là 300 triệu đồng. Trong đó, có những cái tên nổi bật như Honda CR-V đầy tai tiếng hay Mitsubishi Outlander,....
Các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cho rằng, giá ô tô giảm “sốc” trong năm 2017 là để kích cầu thị trường và đón đầu xu hướng giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuống 0% từ 1/1/2018 theo Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA).
Nhiều mẫu xe “hot” nhất thị trường Việt Nam như Toyota Fortuner (nhập Indonesia) hay Ford Ranger (nhập Thái) được kỳ vọng sẽ có giá “mềm” hơn sau khi áp dụng mức thuế nhập khẩu mới.
Cũng chính vì việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN xuống 0%, nhiều hãng xe đã quyết định nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước, trong đó có thể điểm mặt 2 mẫu ô tô là Toyota Fotuner và Honda CR-V 7 chỗ.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, giá xe sau năm 2018 sẽ khó lòng giảm mạnh như nhiều người lầm tưởng. Bởi lẽ, giá xe trong năm 2017 đã giảm quá nhiều, áp dụng cho cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
Vào tháng 5/2017, ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Trường Hải cho biết, giá xe Mazda gần như đã chạm ''đáy'' và khó có thể giảm thêm trong tương lai.
"Mức giá hiện nay của Thaco đa phần rất thấp. Có thể nói, trong một chiến lược chung, Thaco cố gắng tạo một mặt bằng chung của giá xe. Giá xe hiện nay sẽ ổn định như vậy đến năm 2018 (thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN về 0%) nếu không có các chính sách hỗ trợ thêm của Chính phủ”, ông Kha cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều mẫu xe giảm mạnh sau 1/1/2018. Cụ thể, theo bảng giá năm 2018 của Toyota Việt Nam, 4 mẫu: Toyota Vios, Corolla Altis, Camry và Innova sẽ giảm từ 24 – 58 triệu đồng tùy từng mẫu xe so với thời điểm trước tháng 11/2017 (giá niêm yết).
Thaco điều chỉnh toàn bộ giá xe lắp ráp trong nước cho hai dòng xe là Mazda và Kia. Đối với dòng xe Kia, hãng sẽ giảm giá toàn bộ các mẫu xe lắp ráp trong nước, với các mức giảm khác biệt khá lớn từ 5 – 42 triệu đồng.
Mazda 3, CX5, Mazda 6 và BT-50 nhận mức giảm giá bán từ 16 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng vào đầu năm 2018. Trong khi đó, Hyundai giảm giá bán đối với mẫu xe giá rẻ Grand i10 với mức giảm từ 20 – 40 triệu đồng (tùy từng phiên bản).
Ngoài ra, Nghị định 116/2017 vừa được Chính phủ ban hành về quy định cụ thể các điều kiện để doanh nghiệp có thể sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành cũng đang làm khó các doanh nghiệp ô tô.
Theo đó, để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hay thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định như:
Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Ngay sau khi Nghị định 116/2017 được Chính phủ ban hành, hàng loạt mẫu xe ô tô hàng hot trên thị trường trong thời gian qua như: Suzuki Celerio, Toyota Fortuner 2018, Toyota Wigo, hay Honda CR-V 7 chỗ “gặp khó” và không thể về nước để giao tới tay khách hàng như lịch hẹn.
Ngày 5/12, Bộ Công thương đã có văn bản lưu ý các doanh nghiệp về thời gian chuyển tiếp kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định tại Nghị định 116 được ban hành giữa tháng 10 vừa qua.
Theo đó, Nghị định 116 quy định điều kiện chuyển tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu chỉ được nhập xe đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ 1/1/2018 chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu xe từ cơ quan quản lý mới được quyền nhập. Đơn vị xử lý và cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu là Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương).
Bộ Công thương đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp lưu ý quy định về thời gian chuyển tiếp để chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu ô tô và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 116.
Video: Chiêm ngưỡng những mẫu ô tô dành cho tương lai
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 11/2017 đạt 24.752 xe, bao gồm 12.774 xe du lịch; 10.513 xethương mại và 1.465 xe chuyên dụng.
Doanh số xe du lịch tăng 6%; xe thương mại tăng 15% và xe chuyên dụng tăng 65% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.697 xe, tăng 14% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.055 xe, tăng 10% so với tháng trước.
Doanh số toàn thị trường Việt Nam trong năm 2017 có dấu hiệu đi xuống do tâm lý chờ đợi giảm giá xe của người tiêu dùng. Tính tới hết tháng 11/2017, doanh số toàn thị trường đạt 226.661 chiếc, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận