NSƯT Bùi Như Lai là đạo diễn sân khấu có tiếng, anh còn là Trưởng khoa Sân khấu của Trường Điện ảnh Sân khấu Hà Nội. Thế nhưng sau khi xuất hiện ở bộ phim Dưới bóng cây hạnh phúc, nhiều khán giả chỉ còn nhớ tới anh với hình ảnh anh chàng sửa xe cục mịch tên Tố.
Nam nghệ sĩ chia sẻ rằng anh không phiền lòng về điều này, trái lại anh thấy vui vì quan điểm của anh là hài lòng với hiện tại.
- Sau khi nhân vật Tố nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả, anh nghĩ thế nào nếu công chúng gặp anh sẽ gọi anh bằng tên Tố?
Tôi nghĩ đó cũng là phản ứng bình thường. Trên thực tế cái tên Bùi Như Lai trước đây cũng chỉ có 1 nhóm nhỏ biết đến thôi. Đó là những người làm việc cùng với tôi trên Nhà hát hoặc những người quan tâm tới nghệ thuật sân khấu.
Bây giờ ra ngoài đời khán giả gọi tôi bằng Tố, tôi cảm thấy vui với chuyện ấy. Cũng như việc trong thời điểm này khán giả dành sự quan tâm cho phim, cho nhân vật của mình còn sau đó khi những bộ phim khác lên sóng, khán giả lại quan tâm đến những nhân vật khác, đó cũng là chuyện hết sức bình thường thôi.
- Hiện tại có 1 thực tế là nhiều nghệ sĩ có chuyên môn tốt, nhưng lại không được khán giả biết tới nhiều như các ngôi sao “bề nổi”. Ngay như bản thân anh, nhiều khán giả cũng bất ngờ vì người thủ vai phụ là Tố lại là NSƯT, đạo diễn, trưởng đoàn kịch và là Trưởng khoa Sân khấu của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh…
Với quan điểm cá nhân của tôi, tôi hoàn toàn thông cảm và thấu hiểu cách nhìn nhận của khán giả. Vì đây là khán giả của phim truyền hình nên họ không biết tôi cũng là chuyện bình thường, còn khán giả của sân khấu sẽ biết Bùi Như Lai là ai, đạo diễn Bùi Như Lai làm những vở nào.
Cũng có người hỏi tôi rằng tôi có tự ái không khi khán giả truyền hình không biết về mình. Nói thực tôi không có gì tự ái cả, vì đó là góc nhìn của khán giả truyền hình mà.
Mức độ quảng bá của phim truyền hình rộng hơn so với 1 tác phẩm sân khấu rất nhiều. Tác phẩm sân khấu đình đám tới đâu cũng chỉ có thể đón được cao nhất là 500-700 khán giả tùy rạp, còn khi xuất hiện trên phim truyền hình thì hàng triệu người thấy bạn.
Vì mức độ quảng bá khác nhau nên góc tiếp cận của khán giả cũng khác nhau. Khi xác định rõ vai trò, tính chất công việc của mình thì việc người này biết mình hay người kia không biết mình không phải việc gì quá to tát.
Mà nói thực ra tôi cũng không mong muốn quá nhiều người biết đâu. Tôi thật sự thích mình ở vai trò đạo diễn, chỉ đứng trong cánh gà hoặc ngồi dưới để cảm nhận tác phẩm của mình thôi.
Được nhiều người biết đương nhiên là tốt, nhưng cũng có mặt hạn chế chứ. Mỗi người nghệ sĩ sẽ có mục tiêu khác nhau, có người muốn mình được nhiều người biết đến, còn với tôi mong muốn đó không phải là khát vọng quá lớn.
- Hiện nay có một số diễn viên tay ngang nhưng lại thành công nhanh, nổi tiếng dễ dàng hơn rất nhiều diễn viên được đào tạo bài bản, anh nghĩ thế nào về điều này?
Chúng ta lại phải xét xem mức độ nổi tiếng đó là ở trên truyền hình hay trên sân khấu. Ngoài ra tôi cho rằng thành công của mỗi người nghệ sĩ là do chính họ cảm nhận và đánh giá. Tôi cho rằng chúng ta không nên đánh giá mức độ thành công của người nghệ sĩ bằng tần suất họ xuất hiện trên truyền hình.
Khi tôi quay lại làm phim truyền hình, nhiều người cũng đặt câu hỏi rằng tôi có cảm thấy thiệt thòi không khi quay lại làm phim sau nhiều năm vắng bóng. Tôi không cảm thấy thiệt thòi gì cả!
Vì tôi cảm thấy hạnh phúc với sân khấu, với việc giảng dạy, bây giờ quay lại làm phim truyền hình, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Nghĩa là tôi luôn hài lòng với những vai trò mà mình đang có.
Các diễn viên, nghệ sĩ được đào tạo chính quy có quyền lựa chọn các đơn vị Nhà hát để được sống với đam mê sân khấu. Vì trong quá trình giảng dạy tôi thấy nhiều sinh viên rất thích vai trò nghệ sĩ sân khấu còn có những sinh viên lại thích phim truyền hình.
Và cho dù là họ diễn ở sân khấu hay trên truyền hình thì cũng luôn có đối tượng khán giả nhất định biết tới họ, yêu mến họ. Vì bất cứ diễn viên “tay ngang” hay các diễn viên được đào tạo bài bản khi nổi tiếng đều cần có yếu tố may mắn mà chúng tôi gọi vui là “được nghiệp chọn”. Vậy thì cho dù là họ cống hiến cho lĩnh vực nào thì đó cũng là thành công rồi, vì không phải ai cũng được sống với đam mê và tài năng của mình.
Và như tôi đã nói, sự nổi tiếng không phải là tiêu chí để đánh giá mức độ thành công. Và sự thành công cũng không phải là thước đo mức độ hạnh phúc của mỗi con người.
- Anh nói sự nổi tiếng không phải tiêu chí để đánh giá mức độ thành công. Nhưng sự nổi tiếng sẽ giúp nghệ sĩ kiếm được rất nhiều tiền. Vậy mức thu nhập của người nghệ sĩ có thể được coi là tiêu chí đánh giá sự thành công không?
Cái này là nhận thức của mỗi cá nhân thôi, họ xem thế nào là đủ, thế nào là nhiều, bao nhiêu mới là thành công…
Có những người có hàng trăm tỷ vẫn thấy thiếu nhưng có người thấy vài trăm triệu đã là nhiều. Có những nghệ sĩ, trong mắt khán giả là người giàu có vì họ có biệt thự sang trọng, có nhiều bất động sản nhưng họ luôn cảm thấy chưa thoải mái vì chưa đủ.
Nhưng lại cũng có những nghệ sĩ sống trong căn hộ rất nhỏ nhưng họ hài lòng với việc được làm công việc mình yêu thích, sáng ra có thời gian uống cốc café với bạn bè.
Cá nhân tôi nghĩ mức độ thành công của mỗi người phụ thuộc vào nhận thức của chính họ về những gì mà họ đang có.
- Bên cạnh xu hướng “tay ngang” trong diễn xuất, hiện nay làng giải trí Việt còn nở rộ những nghệ sĩ “đa năng” có thể kiêm nhiệm rất nhiều vai trò. Anh nhận xét thế nào về xu hướng này?
Nếu xét về những nghệ sĩ theo xu hướng “đa năng” trong showbiz Việt hiện nay, tôi khá ấn tượng với Trấn Thành. Khi vợ tôi mở bản thu âm mà Trấn Thành hát, tôi nhận định với giọng hát này bạn ấy có thể đi show được. Ngoài ra Trấn Thành còn có thể đóng phim, làm MC.
Gần đây thì có nhiều ca sĩ, người mẫu, người đẹp tham gia đóng phim. Cá nhân tôi cho rằng những người “đa năng” này được trời phú cho năng khiếu về nghệ thuật. Ngoài ra bản thân họ cũng rất nỗ lực trong việc đạt được những dấu mốc nhất định trên con đường chinh phục nghệ thuật.
Chính sự nỗ lực này khiến họ “mở” nhận thức của họ với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Sự thành công của họ là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, từ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Vì có hàng nghìn người mong muốn được như họ, nhưng người thành công lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi tin rằng những người nghệ sĩ “đa năng” ngoài khát vọng khủng khiếp ra sẽ phải có nỗ lực gấp nhiều lần bình thường và đó là điều mà chúng ta cần ghi nhận ở họ.
-Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này.
Video: Diễn xuất của NSƯT Bùi Như Lai trong phim "Dưới bóng cây hạnh phúc"
Bình luận