Sau hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế từ châu Âu, các thương hiệu phương Tây nổi tiếng cũng lần lượt rời khỏi Nga. Apple đã tạm ngừng kinh doanh tại nước này trong khi tập đoàn năng lượng BP của Anh tuyên bố thoái vốn khỏi công ty dầu khí Rosneft của Nga.
Tuy nhiên, nhiều công ty đa quốc vẫn còn phân vân với quyết định có tiếp tục kinh doanh tại Nga hay không. Có nhiều lý do khiến việc rút khỏi thị trường Nga là một quyết định khó khăn, đặc biệt là với những công ty sản xuất mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa, đồ gia dụng,... Họ không chỉ đóng vai trò cung cấp các sản phẩm cần thiết cho đời sống của người Nga, mà còn có ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn nhân viên người địa phương.
"Cuộc di cư" của các công ty
Sau khi phương Tây tăng cường biện pháp trừng phạt kinh tế, tốc độ các doanh nghiệp rời khỏi Nga tăng nhanh. Theo giáo sư Jeffrey Sonnenfeld tại đại học Yale, hơn 300 công ty đã ngừng hoạt động tại Nga kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2.
Trong đó, các tập đoàn năng lượng phải chịu sức ép lớn nhất do Anh, Mỹ đã công bố lệnh cấm hoặc hạn chế dầu mỏ và khí đốt của Nga. Cùng với BP, Shell, ExxonMobil và Equinor cũng quyết định cắt giảm đầu tư vào Nga sau áp lực từ các cổ đông, chính phủ và công chúng.
Total Energies, một hãng dầu khí lớn của Pháp, cũng cho biết sẽ không tài trợ cho các dự án mới ở Nga.
Ở lĩnh vực công nghệ, nhà cung cấp điện thoại Samsung đã tạm dừng các chuyến hàng đến Nga, dù chưa rõ tập đoàn có dự định đóng cửa các cửa hàng tại nước này hay không.
Trên thị trường thời trang, Inditex - công ty mẹ của nhãn hiệu Zara - đã đóng cửa hàng nhưng vẫn giữ lại 9.000 nhân viên ở Nga.
Hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới L'Oreal và đối thủ Estee Lauder cũng đóng cửa hàng và ngừng bán hàng trực tuyến tại Nga.
Các ông lớn trong lĩnh vực đồ ăn nhanh và nước giải khát như McDonald's, Coca-Cola, Starbucks và Heineken đều tuyên bố ngừng kinh doanh tại thị trường này. Cụ thể, McDonald's tạm thời đóng cửa khoảng 850 nhà hàng, trong khi Starbucks ngừng hoạt động 100 quán cà phê. Coca-Cola cho biết họ đang "đình chỉ" hoạt động kinh doanh ở Nga nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về việc này.
Trái với các doanh nghiệp trên, một số công ty về hàng tiêu dùng đa quốc gia đã lựa chọn trụ lại Nga - bao gồm công ty Dettol Reckitt Benckiser của Anh, tập đoàn dinh dưỡng toàn cầu Herbalife cùng các nhà điều hành chuỗi siêu thị như Auchan của Pháp và Metro của Đức.
Nhiều công ty thực phẩm cũng đưa ra quyết định tương tự. Nhà sản xuất sữa Danone từ Pháp, công ty thực phẩm hàng đầu thế giới Nestlé, nhà sản xuất bánh kẹo và thức ăn cho vật nuôi Mars cùng tập đoàn thuốc lá Philip Morris của Mỹ đều ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga, nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh ở thị trường này. Một số công ty chỉ tạm dừng bán hàng của các thương hiệu quốc tế trong khi tiếp tục sản xuất và bán các sản phẩm địa phương.
Các công ty kẹt giữa tình thế khó xử
Mục đích của các biện pháp trừng phạt kinh tế là tạo áp lực cho Moskva và phản đối cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Financial Times trích lời một nhà đầu tư cho biết việc các công ty phương Tây ngừng kinh doanh những mặt hàng cơ bản ở Nga có thể “gây tổn hại khá lớn” cho dân thường - những người hoàn toàn vô can. Không chỉ vậy, việc này còn gây ra tổn hại cho chính các công ty.
Ông Ben Ritchie, trưởng bộ phận cổ phiếu châu Âu tại Abrdn, cho biết các công ty hàng tiêu dùng phương Tây hoạt động tại Nga sẽ phải đối mặt với trách nhiệm của họ trong nước, chi phí tài chính và hậu quả của hành động đó. Ông nói thêm, việc ngừng hoạt động tại một thị trường có thể đi ngược với hợp đồng của công ty với các nhà cung cấp, đối tác nhượng quyền và nhà phân phối.
Nhưng dù có muốn rút khỏi Nga hay không, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với áp lực từ làn sóng dư luận ngày càng leo thang.
Ông Niklas Schaffmeister, chuyên gia tại GlobeOne, cho biết các công ty phải đối mặt với sức ép từ cả người tiêu dùng và các nhân viên ở bên ngoài Nga kêu gọi ngừng hoạt động kinh doanh tại nước này.
Trong một trường hợp cụ thể, ông Dolf van den Brink - giám đốc điều hành của Heineken - đã thông báo công ty sẽ quyên góp 1 triệu euro (tương đương khoảng 1,1 triệu USD) để hỗ trợ “những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine”. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến chỉ trích hành động của nhà sản xuất bia này quá hời hợt.
Một cựu nhân viên có thâm niên 21 năm tại Heineken đã bình luận: “Hãy đóng băng các hoạt động ở Nga. Càng chần chừ lâu, tổn thất về hình ảnh của công ty càng lớn. Tôi muốn tự hào về Heineken một lần nữa”.
Kết quả là Heineken đã tạm dừng các khoản đầu tư mới vào Nga.
Đặc biệt, làn sóng kêu gọi các công ty phương Tây ngừng hoạt động tại Nga đang nổi lên mạnh mẽ trong giới trẻ quốc tế. Ông Yerlan Syzdykov, chuyên gia về thị trường tại công ty quản lý tài sản Amundi của Pháp, cho biết các thương hiệu hướng đến người tiêu dùng trẻ tuổi phải chịu nhiều áp lực nhất. Theo ông Syzdykov, nếu các công ty này không rút khỏi Nga, họ sẽ mất một lượng lớn khách hàng.
Để đối phó với áp lực đó, một số công ty đang xem xét các biện pháp bao gồm tìm nguồn cung thay thế cho các mặt hàng có nguồn gốc từ Nga và hạn chế những bài đăng liên quan đến quốc gia này trên mạng xã hội.
Cho tới nay, hầu hết các công ty đều chỉ tạm thời ngừng hoạt động ở Nga. Tuy nhiên, có khả năng một số doanh nghiệp sẽ rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường này. Heineken cho biết họ đang “đánh giá các lựa chọn chiến lược” cho hoạt động tại Nga trong tương lai.
Bình luận