Mê-tan là một loại khí nhà kính mạnh, có tiềm năng làm nóng toàn cầu (GWP) cao hơn 84 lần so với carbon dioxide (CO2) trong khoảng thời gian 20 năm. Nó chiếm gần 1/5 mức độ nóng lên toàn cầu so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Giảm nhanh lượng khí thải mê-tan là một hành động khí hậu quan trọng, sẽ nhanh chóng mang lại những kết quả đáng kể và cần thiết trong ngắn hạn.
Theo trung tâm năng lượng ASEAN, giảm lượng khí thải mê-tan từ sản xuất dầu khí là mục tiêu dễ đạt được trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và rất quan trọng trong việc điều chỉnh ngành năng lượng toàn cầu theo kịch bản kiếm soát nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Khoảng 1/5 lượng khí thải mê-tan do con người tạo ra có nguồn gốc từ ngành dầu khí, một nửa trong số lượng khí thải này đến từ các nước đang phát triển. Tận dụng toàn bộ tiềm năng của các giải pháp giảm khí thải mê-tan trong lĩnh vực này có thể ngăn chặn tình trạng nóng lên khoảng 0,1 độ C vào giữa thế kỷ.
Vào năm 2023, khu vực ASEAN thải ra 0,32 triệu tấn khí mê-tan, với tiềm năng nóng lên toàn cầu tương đương với khoảng 9 triệu tấn CO2. Các nhà sản xuất dầu khí chính trong khu vực - Indonesia, Malaysia và Thái Lan - chiếm gần 9/10 lượng khí thải mê-tan của khu vực, chủ yếu từ các hoạt động ngoài khơi.
Một số quốc gia và công ty Đông Nam Á đã xác nhận tham gia các sáng kiến giảm khí mê-tan, bao gồm Hiến chương khử cacbon dầu khí, Cam kết khí mê-tan toàn cầu và Đối tác khí mê-tan dầu khí 2.0. Tại COP28, Ngân hàng Thế giới công bố chương trình Đối tác GFMR nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển có ít năng lực và nguồn lực nhất để hạn chế lượng khí thải này, thông qua hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ xúc tác cho các dự án giảm khí mê-tan và đốt cháy.
ASEAN hành động tập thể để giảm phát thải trong nông nghiệp
Theo Fulcrum, nông nghiệp chịu tác động của biến đổi khí hậu và cũng là một trong các tác nhân chính gây ra khí thải nhà kính. ASEAN, hoạt động như một khu vực, đang nỗ lực hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt gần đây ở Đông Nam Á như lũ lụt, nhiệt độ tăng đột biến và hạn hán củng cố thực tế rằng môi trường nông nghiệp của ASEAN đã trở nên bất ổn và không chắc chắn hơn. Nhận thức về tác động của khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực cũng được khẳng định thông qua Khảo sát triển vọng khí hậu Đông Nam Á của ISEAS (SEACO2024) gần đây, trong đó gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ "rất lo ngại" rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thực phẩm giá rẻ.
Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm thiểu hoặc thích ứng phải cân bằng nhu cầu về nhiều thực phẩm được sản xuất thông qua nông nghiệp hơn, đồng thời giảm tác động của nông nghiệp đối với tình trạng nóng lên toàn cầu. Các quốc gia ASEAN bắt đầu thực hiện cả biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tuy vẫn còn sự chênh lệch. ASEAN cùng nhau hành động sẽ giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu đồng thời trong nông nghiệp, chẳng hạn như tác động của thời tiết bất lợi đối với nguồn cung cấp lương thực hoặc có thể cùng chia sẻ các công nghệ giảm thiểu.
Về vấn đề này, theo chuyên gia Paul Teng, nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng của Chương trình Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á của Viện ISEAS – Yusof Ishak, Việt Nam được đánh giá là “hình mẫu” trong việc đặt ra mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được để giảm phát thải khí nhà kính (GHG).
Thông qua sáng kiến “Một triệu ha lúa phát thải thấp”, Việt Nam cam kết giảm 30% lượng phát thải GHG vào năm 2030, bằng cách hướng mục tiêu sản xuất lúa gạo vào mục tiêu giảm khí mê-tan thông qua các hoạt động canh tác. Việt Nam đang đưa sáng kiến lúa gạo vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). “Việc mở rộng sáng kiến của Việt Nam sang các nước sản xuất lúa gạo khác trong ASEAN sẽ là một bước tiến quan trọng theo đúng hướng để chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu”, ông nói.
Trong ASEAN, nhiều cơ chế hiện có cũng đang tạo điều kiện cho việc dự đoán về biến đổi khí hậu, ví dụ như Khung đa ngành ASEAN về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực (AFCCFS); hoặc cho phép các phản ứng thích hợp để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu, ví dụ như Thỏa thuận ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER).
Ngoài ra, ASEAN đã ban hành các hướng dẫn mềm mỏng hơn, mang tính tự nguyện nhưng cũng gián tiếp hoặc trực tiếp đóng góp vào hành động ứng phó với khí hậu (ví dụ như Hướng dẫn khu vực ASEAN về thúc đẩy thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với khí hậu (CSA)).
Ngoài các cơ chế và hướng dẫn này, hướng dẫn chung cho hợp tác khu vực trong ASEAN là “Tầm nhìn và Kế hoạch hành động chiến lược về lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp, 2016-2025”. Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực được đưa vào kế hoạch này, xây dựng trước năm 2016 với các bản cập nhật theo chu kỳ 5 năm.
Các sáng kiến quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng, chẳng hạn như Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Singapore (CCRS) của Singapore đã đề nghị chia sẻ dữ liệu khí hậu khu vực để giúp dự đoán tác động của khí hậu đối với việc sử dụng đất nông nghiệp và sản xuất lương thực.
Khu vực tư nhân cũng đầu tư vào việc giảm thiểu tác động và thích ứng với khí hậu bằng các mô hình kinh doanh mang lại lợi ích cho cả nông dân sản xuất nhỏ và môi trường nói chung. Một ví dụ là Rize, công ty khử cacbon cho lúa gạo do một nhóm nhà đầu tư Singapore thành lập, nhằm tăng cường việc nông dân áp dụng một loạt các biện pháp canh tác mới như "Làm ướt và sấy xen kẽ (AWD)" trên các cánh đồng lúa, được cho là có thể giảm 30-40 phần trăm lượng khí thải mê-tan.
Trong tương lai, các kế hoạch chính sách và chiến lược hậu 2025 của ASEAN có thể tận dụng sự kết hợp giữa hành động quốc gia, sự hợp tác đa phương của ASEAN, các khoản đầu tư từ vốn tư nhân và quan hệ đối tác công tư (PPP) để cùng nhau giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và sản xuất lương thực. Các cơ chế và hướng dẫn khác nhau của ASEAN, có thể có một số cơ chế và hướng dẫn mới, sẽ cung cấp khuôn khổ cho hành động tập thể.
Cũng cần có sự hỗ trợ về chính trị, chính sách và tài trợ thông qua các diễn đàn như Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN (AMAF). Ban thư ký ASEAN có thể tạo điều kiện cho sự phối hợp và giúp khu vực duy trì trọng tâm vào hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả những điều này sẽ phù hợp với các lời kêu gọi tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây ở Lào về một cách tiếp cận tích hợp hơn để giải quyết một thách thức phức tạp ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia thành viên.
Bình luận