Kỳ 5: Tiêu diệt 'ác thú'
Một tuần sau cuộc gặp gỡ giữa ông Nguyễn Bình Địch và trùm phỉ Tráng Séo Khún, 3 đồng chí công an được điều lên Hoàng Su Phì (Hà Giang). Cả 3 đồng chí đều là giáo viên dạy võ thuật trong ngành công an.
Vài hôm sau thì nhận được tin Tráng Séo Khún có mặt ở nhà vợ. Một đồng chí được bố trí ở huyện, một đồng chí đi trước vào xã Chế Là, một đồng chí theo sát bảo vệ ông Địch. Cả 3 đồng chí công an đều mang giấy giới thiệu là cán bộ huyện đi kiểm tra việc thu thuế.
Ông Nguyễn Bình Địch - người tham gia truy sát trùm phỉ Tráng Séo Khún
6 đồng chí du kích được trang bị vũ khí, ẩn nấp ngoài rừng, bao vây ngôi nhà một cách bí mật. Ông Địch sang nhà Chủ tịch xã Cốc Pài trú ẩn.
Thời điểm đó, ông Địch là cán bộ tiễu phỉ nòng cốt, nhưng hoạt động vừa như một trinh sát, lại như một người cấp tin, thuyết khách, nên phải giữ thân phận rất kỹ lưỡng. Nếu thân phận tiễu phỉ của ông bị bại lộ, thì bọn phỉ có thể lấy mạng ông bất cứ lúc nào.
Là cán bộ huyện, sống giữa vương quốc phỉ, ông ở ngoài ánh sáng, chúng ở bóng tối, nên chúng lấy mạng ông dễ như trở bàn tay.
Chợ huyện Xín Mần
Sự kiên trì đã có kết quả. Sáng ngày thứ 3, tức ngày 24/12/1958, Tráng Séo Khún xuất hiện. Hắn lượn lờ quanh nhà Tráng Lao Khao cả tiếng đồng hồ, quan sát tứ phía xem động tĩnh, rồi mới ra mặt. Hắn cầm trên tay chân giò chó đã luộc chín mà hắn đang ăn dở.
Theo lời mọi người kể lại với ông Địch, thì Tráng Séo Khún vừa vào nhà, đồng chí công an từ trong buồng đi ra, bắt tay ông Kim, rồi bắt tay Tráng Séo Khún.
Xét xử phỉ nổi loạn ở Hà Giang
Nhận được thông tin đã tóm Tráng Séo Khún, ông Địch lập tức có mặt. Sau khi bàn tính, thì mọi người thống nhất dẫn giải hắn lên xã Xín Mần, phòng đồng bọn của hắn tập kích bất ngờ vào Nậm Chà giải cứu hắn thì rất nguy hiểm cho tính mạng của anh em. Khi đó, Cốc Pài đường xa, hiểm trở, phỉ ẩn náu trong rừng, tấn công rất nhanh, mà ta thì ứng cứu không kịp.
Ngày ấy, đường từ Cốc Pài đến xã Xín Mần chưa có cầu, phải qua sông Chảy bằng mảng. Ông Địch làm nhiệm vụ trói tên trùm phỉ này, rồi chỉ đạo đưa xuống mảng. Các đồng chí bắt hắn nằm sấp xuống giữa mảng, trói quặt tay ra sau, vì sợ hắn làm lật mảng. 4 đồng chí giữ tay và chân, ấn chặt hắn xuống.
Chiếc câu liêm Tráng Séo Khún dùng để sát hại 50 người
Đồng chí chỉ huy trưởng biên phòng cùng đồng chí công an đi trước, du kích dẫn giải hắn đi sau. Lẽ ra phải trói cả chân hắn, chỉ để một đoạn dây ngắn, đủ bước đi, nhưng không ai nghĩ hắn đủ bản lĩnh trốn thoát họng súng của cả chục người, đều có võ nghệ cao cường, nên chỉ trói 2 tay hắn.
Từ bờ sông Chảy đến xã Xín Mần phải vượt qua một ngọn núi rất cao. Con đường nhỏ xíu, chênh vênh bên vực thẳm, chỉ đủ lối cho một người đi, hoặc ngựa thồ. Đến đoạn dốc cao nhất, trùm phỉ Tráng Séo Khún nhanh như chớp nhảy phốc một cái, lao thân xuống vực thẳm.
Những vũ khí giết người man rợ của bọn phỉ
Đem xác Tráng Séo Khún về Cốc Pài, hàng ngàn đồng bào đến xem. Ai cũng sôi sục máu căm thù tên trùm phỉ này. Sau đó, một tên phỉ dưới trướng Tráng Séo Khún, lẩn trốn trong rừng lâu ngày đã ra hàng, mang theo chiếc câu liêm.
Theo tên phỉ này, chiếc câu liêm đó là vật bất ly thân của Tráng Séo Khún trong thời gian hắn nổi lên là trùm phỉ. Hắn dùng câu liêm giết người một cách man rợ với mục đích uy hiếp đồng bào, đe đọa những người không theo hắn, hoặc chống lại hắn.
Dao bọn phỉ dùng để giết người
Ông Nguyễn Bình Địch cho biết: “Việc không bắt sống được tên Tráng Séo Khún là điều đáng tiếc nhất. Sau vụ đó, đồng chí giáo viên công an và chỉ huy biên phòng bị kiểm điểm nặng. Tôi cũng bị kiểm điểm vì tội không trói chân hắn.
Tuy nhiên, cũng may mà nó chết, chứ nó còn sống mà báo thù thì quả thực nguy hiểm. Việc chiếc câu liêm giết 50 người trong tay nó thì tôi không nắm được cụ thể có đúng con số đó không và giết những ai, nhưng đồng bào kể thế thì sau này trong lịch sử tiễu phỉ nhắc đến và Bảo tàng Hà Giang chỉ thông tin lại. Thực hư như thế nào, thì cũng cần phải tìm hiểu thêm.
Nếu các anh ở Bảo tàng không vào cuộc tìm hiểu sớm, những người già chết hết đi, thì thông tin sẽ càng mù mịt hơn. Làm rõ cuộc đời trùm phỉ Tráng Séo Khún và chiếc câu liêm đó cũng là điều rất nên làm, để con cháu chúng ta thấy được sự hy sinh thế nào của cha ông để bảo vệ Tổ quốc này”.
Bình luận