Sử cũ chép lại, những bà Hoàng triều Nguyễn được tuyển chọn bằng hai cách: Các quan lại triều đình hay các tư gia giàu có vì muốn có danh vọng và ân huệ cho gia đình mà hiến dâng con gái đẹp nhất của mình cho vua, hoặc là các cô gái của bách tính được hoàng thái hậu mua về làm diễn viên, do có sắc đẹp nên được vua ưu ái.
Bổng lộc phát theo cấp bậc
Bổng lộc của các bà Hoàng triều Nguyễn được cấp phát khá đầy đủ ngay từ thời Vua Gia Long. Từ đầu năm Gia Long, Khâm định Hội điển ghi chú lệ cấp bổng cung giai, vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn quy định lương bổng cho các cung phi.
Lúc này hậu cung còn đơn giản, bậc 1 hằng năm lãnh 300 quan tiền, 180 phương gạo (trong đó có 12 phương gạo trắng). Thời ấy, một phương gạo tương đương 30 đấu, mỗi đấu khoảng 1 lít. Các bậc sau, đến bậc 7 giảm đã chỉ còn phân nửa so với bậc đầu.
Đến đời Vua Tự Đức - ông Vua có đến 104 bà vợ được xếp vào chín bậc, mỗi bậc có một tên gọi khác nhau, được triều đình trả lương tiền và quần áo theo 9 bậc phi tần gồm Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tiệp dư, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân.
Hoàng quý phi ở trên bậc nhất chín bậc phi tần, là ngôi chủ quỹ trong cung, cai quản Lục viện, giúp việc nội trị, giữ nghiêm nội chính, mỗi năm được một nghìn quan tiền (khoảng tám trăm franc), 250 phương gạo đen, 50 phương gạo trắng, 60 tấm lụa để may quần áo.
Các bà phi ở bậc thứ nhì thì chỉ được 500 quan tiền,ít hơn một nửa so với cấp bậc cao nhất, 205 phương gạo đen, 45 phương gạo trắng và 48 tấm lụa.
Còn lương tiền của các bà ở bậc thứ 9 thì cực kỳ ít ỏi : 33 quan tiền, 180 phương gạo đen, 36 phương gạo trắng và 12 tấm lụa. Theo cấp bậc của mình, mỗi bà vợ vua có thể có một số nàng theo hầu hạ và phải tự trả công. Hoàng quý phi được 12 nàng hầu, còn bà ở bậc thứ chín thì được thuê ba người hầu. Luật của vương quốc không hạn chế số phi tần và dù là bao nhiêu cũng được đài thọ đầy đủ.
Toàn bộ số nữ nhân này do một số nhất định những bà cao tuổi gồm sáu cấp giám sát. Số nữ giám thị này dưới triều Tự Đức là 60 người, được triều đình đài thọ, còn y phục thì như phu nhân của các quan cao cấp. Họ cũng chỉ định các hầu gái trong hậu cung phục vụ vua và hoàng thái hậu mỗi ngày và cai quản cả số nữ công làm nhiệm vụ chèo thuyền ngự và canh gác các lâu đài trong hậu cung.
Tổng số nữ công là 300 người, xếp thành sáu cấp bậc, ở trong một ngôi nhà bên cạnh hậu cung, đồng phục gồm một quần, một áo dài và một khăn xanh. Toàn bộ số nữ nhân ở hậu cung là 579 người, thêm vào đó còn có 435 nô tì gộp thành một tổng số đáng kể là 1014 phụ nữ ăn ở trong cung và do triều đình đài thọ.
Mỗi ngày nhà vua được một số phụ nữ gồm 15 phi tần và 30 hầu gái phục vụ. Hầu gái mang gươm lớn canh gác lối ra vào các nhà, còn những người kia thì đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của vua, trong đó năm người phải thường trực cạnh vua, mỗi ngày thay đổi một lần.
Hậu cung – nơi giam lỏng những phụ nữ của vua
Theo các tài liệu xưa ghi lại, một khi vào cung làm vợ vua cho dù được tuyển chọn bằng cách nào đi chăng nữa thì mặc định suốt đời theo vua. Hậu cung được xem là nơi giam lỏng những người phụ nữ, theo hầu hạ nhà vua, bị cách ly với thế giới bên ngoài và xem như không tồn tại trên đời này nữa, cả đời có thể sẽ không được về nhà cha mẹ hoặc gặp mặt cha mẹ.
Nếu một bà vợ vua mắc bệnh thì bà ta sẽ bị cách ly trong bệnh xá của hậu cung để các ngự y chữa chạy dưới sự giám sát của các thái giám. Nếu là bệnh nan y, khó lòng cứu chữa thì sẽ được trả về với gia đình để săn sóc.
Trường hợp bị chết đột ngột thì thi thể người đàn bà ấy sẽ sử dụng dây tời nâng qua tường thành để đưa ra ngoài. Vì không bao giờ được phép đưa một xác chết qua cửa cung ngay cả nhà vua khi băng hà cũng vậy.
Vua băng hà thì các bà vợ có hai nơi khác nhau để ra đi. Những bà cấp cao nhất thì đến các lâu đài trong lăng vua và đèn hương thờ phụng người chồng quá cố suốt quãng đời còn lại của mình dưới sự giám sát của các thái giám.
Những người cấp dưới thì được trở về với gia đình, và không được kết hôn với các quan triều đình ở bất cứ cấp bậc nào, họ chỉ có thể tái hôn với những người thuộc lớp bình dân, không có chức vụ gì của triều đình.
Sự cấm kị ấy là để tỏ lòng tôn kính hương hồn của nhà vua đã khuất hoặc cũng có thể theo quan niệm “tam tòng tứ đức” của người phụ nữ phong kiến xưa (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử).
Bình luận