• Zalo

Tiến sĩ Trần Công Trục: Mỹ còn toan tính khác, không hẳn vì bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 08/06/2018 10:46:00 +07:00Google News

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng những động thái mới đây của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu nhằm gây áp lực lên Trung Quốc không phá hoại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra theo kịch bản của Mỹ hơn là vì “bảo vệ quyền tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) 2018 vừa qua bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Anh, Pháp lần lượt lên tiếng chỉ trích Trung Quốc gây mất ổn định khu vực bằng cách đẩy mạnh hoạt động quân sự như diễn tập bắn đạn thật, điều tàu chiến, tên lửa hành trình và máy bay ném bom tới các thực thể bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Mỹ, Anh, Pháp đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này nhằm kiềm chế hành vi hung hăng của Trung Quốc.

Để hiểu rõ hơn về mục đích thực sự đằng sau tuyên bố trên của Mỹ, Anh, Pháp và những động thái tiếp theo của Bắc Kinh trong thời gian tới, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã trao đổi với độc giả của VTC News những ý kiến nhận xét chi tiết và thấu đáo về vấn đề này.

-  Mỹ, Anh, Pháp thực sự có mục đích gì khi tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La 2018 rằng sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông bằng cách điều tàu chiến phối hợp điều tra, tập trận với các đồng minh và các nước trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc?

Vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do không phận trên khu vực Biển Đông dựa trên cơ sở thượng tôn pháp luật, luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng khu vực và quốc tế, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển, các cường quốc hàng hải, các siêu cường quân sự.

1_30896

 Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. 

Vì vậy, những động thái và phát biểu của những giới chức cấp cao quốc phòng Mỹ, Pháp, Anh tại Đối thoại Shangri-La 17 vừa qua chắc chắn sẽ được các quốc gia có liên quan nghiên cứu, tận dụng, phát huy tối đa những yếu tố tích cực của những động thái đó nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông.   

Bên cạnh đó, những tuyên bố “ăn miếng trả miếng” giữa một bên do Mỹ đứng đầu và một bên là Trung Quốc, vào thời điểm hiện nay, cho thấy một khía cạnh khác khiến tình hình Biển Đông căng thẳng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và xung đột chính là xuất phát từ cuộc cạnh tranh địa- chính trị, địa- kinh –tế, địa - chiến lược giữa hai thế lực đó và đặc biệt là thêm một lần nữa, phơi bày động cơ đích thực của các siêu cường đang trực tiếp hay gián tiếp nhảy vào vòng tranh chấp khốc liệt này.

tau_san_bay

 Tàu sân bay Hoa Kỳ trong một lần tuần tra ở Biển Đông. (Ảnh: Foxtrot Alpha)

Nhằm thực hiện hóa tuyên bố tăng cường tuần tra hàng hải trên Biển Đông và thách thức việc leo thang quân sự của Trung Quốc tại đây cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ điều 2 chiến hạm thực hiện một hoạt động tuần tra “tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, rút lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương ngoài khơi Hawaii, hay Mỹ tiếp tục điều máy bay chiến lược B-52 vào khu vực cách quần đảo Trường Sa 32km vào hôm  5/6. Nếu hoàn toàn đúng với lý do được nêu trong tuyên bố nói trên của Mỹ thì chắc chắn sẽ được dư luận hoan nghênh và hưởng ứng.

Sở dĩ, ở đây phải dùng từ “nếu’’, bởi vì,  trong thực tế, dư luận vẫn còn  hoài nghi về mục đích thực sự đằng sau những động thái Mỹ tiến hành trong thời gian gần đây. Người ta cho rằng, thực chất những động thái này của Mỹ chỉ nhằm gây áp lực lên Trung Quốc không phá hoại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra theo kịch bản của Mỹ nhiều hơn là vì “bảo vệ quyền tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật”. Chúng tôi chia sẻ với ý kiến nghi vấn này của dư luận. Tại sao lại đi đến kết luận như vây?

Xin phân tích sự kiện 2 tàu chiến Mỹ vừa tuần tra qua vùng quần đảo Hoàng Sa để làm rõ sự nghi hoặc này của dư luận. Nếu thông tin về 2 tàu chiến Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra đi vào trong phạm vi biển 12 hải lý xung quanh một số  đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo UNCLOS1982, thì đó là việc thực hiện “quyền đi qua vô hại” trong lãnh hải của một số đảo ở Hoàng Sa, chứ không phải là thực hiện “quyền tự do hàng hải” trong vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý hay ở vùng biển cả. 

zing_usshiggins_1 3

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins của Hải quân Mỹ triển khai tuần tra trên biển Đông. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

 Về điểm này, xin có 2 lưu ý, một là: “quyền đi qua vô hại” trong lãnh hải không đồng nghĩa với “quyền tự do hàng hải”. Khi thực hiện quyền “đi qua vô hại” trong lãnh hải thì các tàu thuyền nước ngoài phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quốc gia ven biển, nhất là các tàu quân sự, nhằm đảm bảo tôn trọng chủ quyền, quốc phòng, an ninh của quốc gia ven biển.

Hai là, các thực thể địa lý nói trên là những đảo nhỏ không thích hợp cho cộng đồng sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng, cho nên chúng chỉ có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý, không có vùng đăc quyền kinh tế 200 hải lý. Vì vậy, vùng biển ngoài 12 hải lý tính từ đường cơ sở của các đảo nhỏ này mới là vùng biển cả, quyền hoạt động của các loại tàu, thuyền đến từ các nước trên thế giới tại đó mới là “quyền tự do hàng hải”.

- Trung Quốc sẽ có động thái gì tại Biển Đông trong thời gian tới, sau khi Trung Tướng Hà Lôi có các phát ngôn ngông cuồng tại hội nghị trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2018 hôm 2/6 cho rằng “Việc triển khai quân đội và vũ khí tới các đảo đá ở biển Đông nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và được cho phép của luật pháp quốc tế’’.

Những động thái của Trung Quốc trong Biển Đông từ lâu cho thấy họ nói luôn khác với làm. Việc Trung Quốc triển khai chủ trương quân sự hóa ở Biển Đông là nhất quán, ngày càng quyết liệt, bất chấp mọi cam kết, thỏa thuận và phớt lờ phản ứng của dư luận khu vực và quốc tế.

Trung Quốc không hề che đậy ý đồ sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm các thực thể địa lý trong Biển Đông. Họ tăng cường tuần tra, tập trận, tăng cường đưa máy bay, tàu chiến, bố trí tên lửa. Triển khai những động thái này, Trung Quốc nhằm tạo lợi thế, chí ít là có được thế tương quan sức mạnh với Mỹ trên Biển Đông, trong tình thế Mỹ đang bị phân tán sức mạnh bởi tình hình Trung Đông, nhất là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên,  và cũng nhằm răn đe, gây sức ép đối với các nước có quyền và lợi ích ở Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... để buộc các nước này phải chấp nhận yêu sách  “đường lưỡi bò”.

biendong_egla 4

Trung Quốc đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar phi pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. (Ảnh: AMTI)  

Họ tiếp tục dùng tất cả mọi phương tiện để tạo ra ấn tượng về tâm lý với dư luận trong nước và thế giới rằng, họ có chủ quyền trên Biển Đông được giới hạn bởi “đường lưỡi bò”. Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng các nước đi này. Thậm chí Trung Quốc có thể toan tính công bố đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa theo cách mà họ đã tuyên bố ở quần đảo Hoàng Sa… Nếu các nước vẫn không chấp nhận chủ trương “ cùng khai thác” ở một số khu vực trong phạm vi đường “lưỡi bò” thì có khả năng Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan đến khu vực đó và nói rằng đó là vùng biển chồng lấn.

Tình hình này làm cho các nước trong khu vực Biển Đông đang đứng trước tình huống rất nguy hiểm và khó khăn. Vì vậy, một mặt, các quốc gia liên quan phải có các phương thức ứng xử, đấu tranh làm sao để vừa bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, vừa tránh được xung đột vũ trang.

Trước tình thế hiện nay, chúng ta phải có chủ trương chiến lược là giữ được trạng thái cân bằng giữa các siêu cường. Nếu không thận trọng, chúng ta dễ trở thành một quân cờ trên bàn cờ Biển Đông để phục vụ lợi ích cho các nước lớn. Mặc khác, trong nội bộ, nên phân tích, đánh giá về  các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và có chiến lược, cách ứng xử hợp lý trước mỗi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, để người dân được biết và đồng lòng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Dương Hà
Bình luận
vtcnews.vn