Từ tâm sự của thầy Hữu Thắng…
Cách đây 2 ngày trên báo The Guardian của Anh, cây viết chiến thuật nổi tiếng Jonathan Wilson - bất ngờ đặt ra một câu hỏi: Thế nào là một tiền đạo? Nghe có vẻ đơn giản nhưng thật sự để có một câu trả lời hoàn chỉnh thì chẳng dễ dàng gì.
Sự thay đổi trong bóng đá hiện đại khiến vai trò của một cầu thủ trên hàng công không còn đơn thuần là tìm mọi cách để đưa trái bóng vào lưới. Ranh giới phân chia các mẫu tiền đạo như số 9 ảo, số 10 hay trung phong cắm cũng vì thế mà nhạt nhòa đi.
Suy nghĩ ấy không chỉ trên thế giới mà ngay ở V.League, một số HLV cũng đã có xu hướng sử dụng tiền đạo đa dạng hơn mức cổ điển. Rõ rệt nhất là trường hợp của Gonzalo tại Hà Nội T&T.
Trở lại với ĐT Việt Nam, HLV Hữu Thắng tâm sự, điều mà ông vẫn còn băn khoăn là việc chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại. Bản chất của việc thay đổi này nằm ở chuyện đội phải làm gì khi có bóng hoặc khi mất bóng.
“Trong bóng đá hiện đại, nếu một cầu thủ không biết phòng ngự thì rất khó có vị trí trên sân. Hiểu một cách đơn giản là khi có bóng thì đội tấn công rồi ghi bàn. Ngược lại, khi mất bóng thì cần phải phòng ngự. Nhưng phòng ngự từ đâu, phải từ người đầu tiên phía trên rồi trải dần xuống dưới”, HLV Hoàng Anh Tuấn của đội tuyển U22 Việt Nam chia sẻ.
“Tất nhiên, tùy theo chiến thuật và mất bóng ở mức độ như thế nào, vị trí ra sao, mỗi cầu thủ mà cụ thể ở đây là tiền đạo sẽ có nhiệm vụ tranh chấp bóng, gây sức ép. Anh ta có thể chỉ lui về nửa sân hoặc thậm chí là sâu hơn theo chỉ đạo của HLV trưởng”.
… đến bài toán pressing cho Công Vinh, Văn Toàn
Chiến thuật kiểm soát bóng của HLV Hữu Thắng cũng đồng nghĩa với việc chủ động kiểm soát không gian. Và việc luân chuyển chiến thuật khi mất bóng cũng có thể hiểu rằng những tiền đạo như Công Vinh, Văn Toàn, Văn Quyết cũng cần có phương án tổ chức tranh chấp bóng tốt hơn ở phía trên tiền tuyến.
Tuy vậy, khả năng phòng ngự của những cầu thủ này vẫn chỉ ở mức trung bình. Lấy ví dụ ở chiến thắng 5-2 trước CHDCND Triều Tiên - trận đấu mà đội chủ nhà đã phòng ngự không tốt - thì khả năng hỗ trợ phòng thủ của Công Vinh hay Văn Toàn là chưa thực hiệu quả.
Nếu như Văn Toàn ít lui về hỗ trợ phòng ngự khiến Đình Đồng thường phải gánh cả hành lang phải phía dưới, thì việc cứ đuổi theo bóng một cách quá mê mải của Công Vinh không chỉ làm cá nhân anh mất sức mà còn khiến đội hình của Việt Nam khi ấy bị động trong nhiều tình huống đáng lẽ có thể chờ cơ hội cướp bóng phản đòn.
Cần nói thêm rằng, bản thân Văn Toàn cũng ý thức được việc hỗ trợ phòng ngự. Bằng chứng là ở trận hòa với Indonesia 2-2 sau đó, cầu thủ này đã khá chịu khó lui về hỗ trợ phòng ngự.
Tuy vậy, thống kê từ phần mềm InStat chỉ ra rằng, tỷ lệ tranh chấp thành công của Văn Toàn mới dừng lại ở mức 33%, với số lần tắc bóng chính xác chỉ ở mức 7/17 lần.
Tất nhiên, việc tổ chức pressing cần dựa trên một hệ thống toàn diện ở cả 3 tuyến từ phía HLV trưởng. Song bên cạnh đó, cá nhân những cầu thủ, trong đó có tiền đạo cũng cần mài giũa thêm thể lực, khả năng tranh chấp. Đó là điều mà HLV Hữu Thắng cùng các cộng sự đang rèn giũa mỗi ngày cho các học trò.
Bình luận