“Messi Thái” Chanathip Songkrasin vừa đạt được bản hợp đồng cho mượn từ SCG Muangthong United qua Consadole Sapporo, đội bóng cũ của Lê Công Vinh. Trước đó, chân sút chủ lực Teerasil Dangda cũng từng ghi bàn thắng vào lưới Barcelona, tại La Liga, khi khoác áo Almeria, cũng theo hợp đồng cho mượn từ Muangthong United…
Bóng đá Thái Lan, trong quá khứ cũng như hiện tại, vẫn được biết đến như một công xưởng xuất khẩu cầu thủ số 1 Đông Nam Á. Một thời gian dài, tính bằng cả thập niên (2000 – 2011), các ngôi sao Thái Lan tràn ngập V-League. Các cựu danh thủ Thái Lan khác như Niweat Sirigong hay Thersak Chaiman từng đánh thuê ở giải nhà nghề Singapore, S-League, rồi mới về Việt Nam.
Trước Teerasil Dangda, Suree Sukha và Kiatprawut Saiwaeo được gửi qua học việc ở Manchester City (2007), rồi thi đấu ở giải VĐQG Thuỵ Sỹ sau đó, theo hợp đồng cho mượn, và HLV trưởng ĐT Thái Lan lúc này, Kiatisuk Seanamuang, cũng đã tập luyện và thi đấu ở Anh quốc, trong màu áo CLB hạng Nhất Huddersfield Town, đội bóng có đại bản doanh ở phía Tây Yorkschire nổi tiếng.
Và hiện tại, với việc các ông chủ người Thái tiếp tục sở hữu một số CLB ở trời Âu, ví như tại Leicester City, bóng đá trẻ Thái Lan nói riêng và bóng đá Thái nói chung, tất nhiên được hưởng lợi.
Người ta tính rằng, có khoảng 30 – 40 cầu thủ trẻ đang được đào tạo tại Học viện của đội bóng ĐKVĐ Premier League, Leicester City, vốn cũng đang chơi rất hay tại UEFA Champions League.
Đào tạo trẻ là khâu đầu tiên quan trọng quyết định sự cường suy của một nền bóng đá. Và khi Thai Premier League ra đời, rồi phát triển như vũ bão từ 10 năm qua, cầu thủ Thái Lan có nhiều đất dụng võ. Myanmar là đội bóng có độ tuổi trung bình thấp nhất tại AFF Suzuki Cup 2016, mặc dù vậy, chỉ Thái Lan mới có những cầu thủ trị giá triệu đô theo sàn chuyển nhượng quốc tế transfermark.
Teerasil Dangda là ngôi sao đầu tiên đạt được cột mốc triệu USD, khi chuyển sang chơi bóng tại La Liga (2014 – 2015) trong màu áo Almeria, như đã nhắc ở trên. Tiền đạo thuộc hàng xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Thái Lan này bắt đầu học bóng đá ở Assumption Thonburi, rồi khởi nghiệp ở Không lực Hoàng gia Thái Lan (Air Force Central), giai đoạn 2003 – 2005, trước khi gặt hái thành công ở các đội bóng lớn hơn.
Tức là cơ bản, cũng như bao cầu thủ Thái Lan khác, giai đoạn trước đây và bây giờ (ngoại trừ mấy chục cầu thủ trẻ đang học việc ở Leicester City), họ đều tập luyện tại các đội bóng trong nước.
Về quy trình đào tạo, ngay JMG toàn cầu (đồng sở hữu Học viện HAGL Arsenal JMG) từng thất bại ở Thái Lan, nhưng bóng đá Thái vẫn tự cường. Chất lượng HLV, chất lượng mặt cỏ và các yếu tố kỹ thuật khác đã tạo ra sự khác biệt.
PV Thể thao & Văn hoá đã từng nhiều lần thực mục sở thị đại bản doanh các CLB Thái Lan, thăm viếng các Học viện đào tạo trẻ của họ, cũng như trực tiếp theo dõi các trận đấu ở Thai Premier League. Chất lượng bóng đá Thái Lan ở một đẳng cấp khác so với mặt bằng Đông Nam Á.
Từ hệ thống sân tập chất lượng, đội ngũ kỹ thuật (staff technical) đến việc thu hút đầu tư và chiến lược phát triển của CLB… đều rất chuyên nghiệp.
Hãy xem thứ bóng đá mà những “Messi Thái” Songkrasin, Sarch Yooyen, Dangda, Kroekrit Thawikan, Siroch Chatthong, T.Bumanthan, Tristan Do, Mongkol Tossakrai, Adison Prompak, Charyl Chappuis… đã và trình diễn để dễ định lượng.
Thứ bóng đá ấy, đến ngay ngôi sao cỡ bự - đội trưởng Muangthong United ở mùa giải trước, Datsakorn Thonglao, cũng phải thừa nhận rằng, anh không thể theo kịp nữa rồi.
Dàn hảo thủ mà HLV Kiatisuk Senamuang đem đến AFF Suzuki Cup 2016 có thể nói là đắt nhất Đông Nam Á. Mà đắt thì phải xắt ra miếng, chứ không hữu danh vô thực.
Không vô địch AFF Suzuki Cup 2016 là một thất bại nặng nề với bóng đá Thái Lan, dù danh hiệu này không phải là thước đo năng lực nền bóng đá đất nước của những nụ cười.
Bình luận