Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020). Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta.
Chia sẻ với VTC News, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng, gắn bó mật thiết và thúc đẩy quá trình hoà hợp dân tộc đi tới thành công.
- Dấu mốc 45 năm ngày thống nhất đất nước có ý nghĩa thế nào với dân tộc Việt Nam, thưa Thượng tướng?
Mỗi người Việt Nam có cảm nhận khác nhau về ngày 30/4. Nhưng có lẽ điểm chung nhất là niềm tự hào, là cảm nhận về sự vĩ đại của chiến thắng 30/4.
Thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao của lịch sử dân tộc và chiến thắng 30/4 là dấu ấn đậm nét nhất của đỉnh cao đó. Tất cả có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt và sự hy sinh anh dũng của toàn dân, toàn quân ta.
45 năm sau, trong bối cảnh, yêu cầu mới của đất nước, cũng như tình hình mới của thế giới và khu vực, tôi muốn chia sẻ thêm những cảm nhận riêng về sự kiện vĩ đại này.
Trước hết, tôi muốn nói đến ý nghĩa của ngày 30/4. Đối với chúng ta hôm nay, đầu tiên là niềm tự hào. Đó là nhận thức về sự vĩ đại của chiến thắng giành độc lập, tự chủ, thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Thế hệ chúng ta ngày hôm nay cần nhận thức đầy đủ, để có trách nhiệm với chiến thắng đó. Tức là, chúng ta phải sống và xây dựng đất nước để chiến thắng ấy ngày càng phát huy và đem lại sự phát triển cho dân tộc.
Nhưng, sau năm 1975, đất nước ta dù thống nhất, độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng vẫn chưa có giá trị quan trọng bậc nhất đối với nhân dân - đó là hoà bình.
Chúng ta trải qua thêm hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, phải hy sinh biết bao máu xương, để rồi 15 năm sau, những mảnh đất dọc Việt Nam mới thực sự ngừng tiếng súng, người dân mới có đủ cơm ăn áo mặc.
Nói như vậy để thấy, có được “hoà bình” khó lắm.
Vậy thì ngày hôm nay, những giá trị quan trọng nhất của đất nước mà chúng ta phải giữ được, đó là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập chủ quyền đất nước và hoà bình.
Chúng ta đánh vì hoà bình, hy sinh xương máu vì hoà bình thì bây giờ phải giữ bằng được hoà bình cho nhân dân, từ đó mới có nước Việt Nam phát triển. Đấy là hai ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- 45 năm trôi qua, liệu chiến thắng 30/4 đã thuộc về lịch sử hay vẫn đang song hành cùng sự phát triển chung của đất nước, thưa Thượng tướng?
Tôi cho rằng, chiến thắng này vẫn đang tiếp tục dòng chảy của dân tộc và gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của đất nước. Những giá trị nó mang lại cho hôm nay vẫn luôn hiện hữu, và tôi nghĩ rằng, sẽ còn tồn tại mãi mãi.
Chiến thắng 30/4 ấy không chỉ là giá trị lịch sử, không chỉ là một chương vàng trong lịch sử dân tộc, mà còn có giá trị cho ngày hôm nay, trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến đối ngoại, kinh tế. Chiến thắng này chi phối và là nền tảng cho tất cả sự phát triển của Việt Nam hôm nay và mai sau.
Về khía cạnh quốc phòng - quân sự, chúng ta giành được chiến thắng, thì bây giờ phải duy trì giá trị đó trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Kinh nghiệm, bài học trong chiến tranh cần được gìn giữ, nghiên cứu, phát huy trong tình hình mới, theo kịp tốc độ phát triển của thế giới.
Ví dụ điển hình là phương thức chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân được áp dụng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Dù không có cuộc chiến tranh nào nhưng Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả.
Về đối ngoại, chúng ta phải coi chiến thắng ấy, giá trị ấy như vũ khí để đấu tranh trong thời bình, bảo vệ lợi ích dân tộc. Đồng thời, cũng để thể hiện rằng khi cần, khi không thể tránh được, Việt Nam luôn luôn đánh thắng những kẻ xâm lược.
Chúng ta đã đánh rất tốt, có thắng lợi vĩ đại để có được ngày toàn thắng. Chúng ta cũng vượt hai cuộc chiến tranh hai đầu biên giới đầy nhọc nhằn, khó khăn. Có những lúc, Việt Nam bị cô lập khi đưa quân qua Campuchia.
Việt Nam đã vượt qua được hết.
Đó là chiến thắng quân sự nhưng hơn thế là chiến thắng của lòng nhân ái, của tình yêu hòa bình và lòng yêu nước cháy bỏng của toàn dân tộc, là những giá trị mà chiến thắng 30/4 để lại cho ngày hôm nay.
Video: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định hoà hợp, hoà giải dân tộc đã thành công
- Nhưng không chỉ có chiến thắng về mặt quân sự mới đem lại giá trị cũng như uy tín của Việt Nam ngày nay?
Dân tộc Việt Nam đã khắc phục hội chứng chiến tranh rất nhanh. Việt Nam không còn hội chứng chiến tranh ngay khi chiến tranh chấm dứt. Đó là điều “rất Việt Nam”.
Một số nước, như Mỹ chẳng hạn, hội chứng chiến tranh rất nặng nề. Mặc dù họ không bị tàn phá, không mất mát nhiều như chúng ta. Tâm lý này khó đong đếm, nhưng là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của một đất nước sau khi trải qua chiến tranh.
Thứ hai, chúng ta xử lý thế nào với các cựu thù để hôm nay sống trong một môi trường quốc tế ổn định. Chúng ta làm bạn với tất cả các nước, (trong đó) nhiều nước là cựu thù.
Chúng ta không quên quá khứ, nhưng cùng gác lại để xây dựng quan hệ mới, đôi bên cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Và mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc quan trọng đầu tiên trong mối quan hệ đó là phải tôn trọng độc lập tự chủ và chế độ chính trị của Việt Nam.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (gồm 10 nước ASEAN và 8 nước khách mời) do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2010; trong cuộc gặp đầu tiên do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với 18 Bộ trưởng Quốc phòng để bàn về hoà bình, chúng ta có nói với các nước đối tác và các nước ASEAN rằng, không ngạc nhiên khi 18 nước ngồi đây thì có đến gần 10 nước từng đem quân xâm lược Việt Nam.
Nhưng bây giờ chúng ta là bạn. Việt Nam mong quá khứ đừng lặp lại, đừng nước nào đưa quân đến đất nước chúng tôi nữa.
Đấy là yêu cầu quan trọng nhất mà Việt Nam đã đạt được. Việt Nam đã xử lý tốt quan hệ với các cựu thù.
Nhiều nước trong ASEAN từng đưa quân sang, rồi nhiều nước phát triển khác cũng theo chân những kẻ xâm lược Việt Nam trong quá khứ.
Nhưng ngày nay, Việt Nam có mối quan hệ dễ chịu với họ, đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng những giá trị cơ bản của Việt Nam.
Thứ ba là khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là vấn đề rà phá bom mìn, xử lý dioxin. Đây là câu chuyện rất dài.
Song chính sách của Việt Nam có từ rất sớm, không chỉ khắc phục cho riêng Việt Nam mà còn khắc phục cho cả những kẻ xâm lược nữa. Ví dụ, hoạt động MIA tìm hài cốt cho Mỹ, Australia, Pháp, Hàn Quốc…
Việt Nam sẵn sàng làm những nghĩa vụ nhân đạo đó. Chính nhờ chủ trương đúng đắn sau chiến tranh, gác hận thù nhưng không quên quá khứ, Việt Nam đấu tranh một cách bền bỉ để các nước phải có trách nhiệm với những gì họ đã gây ra với nhân dân và đất nước ta.
- Nói đến ngày chiến thắng 30/4, chúng ta thường nói về hoà hợp, hoà giải dân tộc. Thượng tướng có nhận xét gì về tiến trình này?
Khi nói về chiến thắng 30/4, đúng là một nửa thì vui, một nửa thì không vui. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng, chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thua và thời gian đã chứng minh điều ấy.
Trong những năm đầu sau 1975, hận thù rất lớn, nhất là từ những người từng làm việc ở chế độ cũ. Tâm tư về sự thua cuộc của họ rất nặng nề.
Điều đó khiến chúng ta trải qua giai đoạn rất khó khăn về hoà giải dân tộc. Chúng ta vừa phải giúp người dân nhận thức vấn đề thật đúng đắn, đồng thời khẳng định có kẻ thắng, người thua, không thể “hoà cả làng”.
Từ đó, các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp những người trong chế độ cũ cảm thấy không bị kì thị, miễn là họ yêu nước. Chúng ta cũng không quay lại bới móc chuyện họ đã làm cho những kẻ xâm lược.
Thứ hai, quan trọng nhất hiện nay là vị thế quốc gia và sự phát triển đất nước. Rõ ràng, không thể có chuyện kẻ thua mà xây dựng đất nước Việt Nam như ngày hôm nay được.
Chúng ta có thể chưa giàu, nhưng có độc lập, có niềm tự hào và lòng kiêu hãnh. Chúng ta không nói là giàu bằng, mạnh bằng nhưng Việt Nam ngồi ngang hàng với tất cả các quốc gia. Vì Việt Nam có độc lập, tự chủ, xây dựng đất nước.
Người ta thấy rằng, chiến thắng 30/4 đem lại lợi ích trước hết cho cách mạng trong cuộc chiến chống xâm lược. Song khi phát triển đất nước, chiến thắng cũng đem lại lợi ích cho cả những người đã từng phục vụ cho phía bên kia.
Rất dễ nhìn thấy những Việt kiều, nhất là những người đã từng phục vụ phía bên kia, về nước với tâm lý thoải mái, không hề bị kì thị. Miễn là họ yêu nước, tuân thủ luật pháp, họ được chào đón, tạo công ăn việc làm lẫn điều kiện để thường xuyên quay trở về. Đây là điều rất quan trọng.
- Như vậy, tiến trình hoà hợp, hoà giải đã thành công, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, hoà giải, hòa hợp dân tộc đã thành công, nhờ chính sách khoan dung của Đảng, Nhà nước, nhưng quan trọng nhất là nhờ sự phát triển đất nước. Điều đó chứng minh chiến thắng ấy đem lại cho chúng ta sự phát triển mới. Người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế không ai là không nhận thức được vấn đề này.
Chiến tranh phải có kẻ thắng, người thua. Có điều là thắng rồi nhưng không trả thù mà khoan dung, tạo điều kiện cho anh quay lại cuộc sống bình thường. Đó là tấm lòng nhân ái của đất nước Việt Nam.
Tôi từng gặp nhiều Việt kiều. Họ phấn khởi khi thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng Việt Nam được Tổng thống Mỹ đón trọng thị ở Phòng Bầu dục.
Họ nói rằng, “người Mỹ giờ nhìn chúng tôi bằng con mắt khác, không phải những người đi ở ké nữa”. Tôi nghĩ đó là điều cần phân biệt rõ về hoà hợp hoà giải dân tộc.
Có thể có những quan điểm khác nhau nhưng cái chung được hưởng là đất nước phát triển, đem lại niềm tự hào cho cả dân tộc.
- Tiến trình đã thành công, vậy tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, tiến trình hoà hợp, hoà giải dân tộc đã hoàn thành và chúng ta đang cùng có chung ý chí xây dựng đất nước.
Vấn đề bây giờ là phát huy tốt sự kết hợp giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển chung của đất nước. Đất nước tạo thuận lợi cho họ quay trở về tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội, có lợi cho đất nước.
Ngược lại, cần hỗ trợ để cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng góp nhiều nhất cho quốc gia.
Đóng góp đầu tiên là lòng yêu nước. Tiếp theo là sống phù hợp với luật pháp nước sở tại, đừng để cộng đồng người Việt không được tôn trọng ở nước sở tại. Đó là vấn đề quan trọng nhất.
Sự kết hợp đó ngày càng tốt lên. Tôi thấy sự hồ hởi của kiều bào khi đất nước ta thắng lợi. Tôi cũng nhìn thấy những đánh giá khác, về chiến thắng 30/4 chẳng hạn, của những người trong chế độ cũ.
Còn những người chống đối thì lúc nào cũng có, ở đâu cũng có. Họ là những tiếng nói lạc lõng. Chúng ta cảnh giác nhưng không nên coi đó là đại diện cho bất kì bộ phận nào trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
- Xin cảm ơn Thượng tướng!
Bình luận