• Zalo

Anh hùng tình báo kể chuyện đấu trí với máy phát hiện nói dối

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 27/04/2020 12:04:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cuộc đời làm tình báo của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy trải qua không ít lần hiểm nguy, gian nan, có lúc phải nghĩ cách để đấu trí với máy phát hiện nói dối của CIA.

Nói dối "máy nói dối"

Từ ngày gặp lại Mười Thắng (Nguyễn Minh Trí - Cụm trưởng Cụm Điệp báo A10) ở căn cứ, rồi được phân công làm nhiệm vụ tình báo, Nguyễn Hữu Khánh Duy - lúc này có bí danh hoạt động là Năm Quang cứ phân vân mãi về công tác của mình.

Thôi, cứ làm theo chỉ đạo của tổ chức đi đã rồi tính sau”, anh nghĩ vậy.

Tháng 12/1972, Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker II. Trong gần hai tuần, máy bay Mỹ liên tục ném hàng chục nghìn tấn bom xuống toàn miền Bắc. Làng mạc, đồng quê, trường học, bệnh viện tan nát. Mỹ muốn một hiệp định có lợi cho mình được đưa ra trên bàn đàm phán.

Thời điểm này, Trung ương Cục miền Nam đã có bản kế hoạch ném bom miền Bắc, nhưng thời điểm chính xác thế nào vẫn chưa rõ. Để biết chi tiết ngày giờ của từng phi vụ, ông Mười Hương chỉ đạo Cụm trưởng cụm A10 Mười Thắng đưa điệp viên vào làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong sân bay Tân Sơn Nhất có một công ty vệ tinh của CIA núp dưới danh nghĩa công ty kinh doanh tên Harris Cooperation có nhiệm vụ do thám tin tình báo, tiếp nhận mọi nguồn tin tình báo, xử lý qua hệ thống điện toán rồi chuyển về trung tâm CIA. Đây cũng là đầu mối có thể nắm được thông tin chi tiết về kế hoạch ném bom miền Bắc.

Nhưng để vào được công ty này phải thông qua được buổi kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Việc này được giao lại cho cụm phó Năm Quang và cụm phó Ba Hoàng (Thiếu tướng Huỳnh Huề).

Sau thời gian suy tính, hai người tuyển dụng 3 sinh viên vừa tốt nghiệp kỹ sư điện, điện tử loại giỏi ở Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn đưa vào mạng lưới của mình, bí danh là F7, F8 và F9.

Phải làm sao để qua được buổi kiểm tra máy nói dối bây giờ?”, Ba Hoàng hoài nghi.

Vốn là sinh viên ngành y, Năm Quang phỏng đoán có thể máy này đo điện não đồ và điện tâm đồ. Mà theo anh, máy móc muôn đời chỉ là máy móc, ai phụ thuộc vào máy móc đều thất bại.

Anh hùng tình báo kể chuyện đấu trí với máy phát hiện nói dối - 1

Những bằng khen, kỷ niệm chương của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy.

Tôi đề nghị trước khi thi tuyển, 3 người này chỉ nên ăn chơi, đi bar, đi nhậu và không giao tiếp với tổ chức một thời gian. Họ phải loại bỏ mọi tư tưởng cách mạng trong tư duy đã”, Năm Quang chắc nịch.

Cuối cùng, cả 3 đều vượt qua được cuộc thi tuyển. Từ đó, những thông tin tình báo tối mật của CIA “đi qua” Harris Cooperation đều có trên bàn làm việc của các vị lãnh đạo an ninh T4.

Hai lần thoát nạn

Một buổi sáng, Năm Quang định chạy xe qua tờ báo Điện Tín để tìm gặp họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) thì nhận được thông tin có một nhóm sinh viên biểu tình tự phát ở chợ Bến Thành.

Vì mang thân phận mới, anh không còn tiện tham gia vào các hoạt động đấu tranh của giới sinh viên như trước nữa. Thế nhưng anh không muốn sinh viên Y - Nha - Khoa hoạt động không định hướng: “Phải cản họ lại”.

Chẳng may, khi anh đang loay hoay gần khu vực sinh viên biểu tình thì một chiếc xe đậu ngay trước mặt. Từ trên xe, 2 người đàn ông nhảy xuống, kẹp nách đẩy anh lên xe. Anh la lớn kêu cứu, ngay sau đó quai hàm anh đau nhói, rồi một cảm giác giật mạnh toàn thân khiến anh lịm đi.

Mày là em ông Sinh sao mà khoái làm cộng sản”, tên sỹ quan hất hàm hỏi Năm Quang.

Ông Sinh mà tên sỹ quan này nhắc đến là anh rể Năm Quang, phó tỉnh Bến Tre. Nghe Nhắc tên anh mình, Năm Quang biết thân phận thật sự chưa bị lộ. Thì ra chúng bắt anh để dằn mặt sự việc biểu tình sáng nay.

Em không có làm cộng sản. Sáng nay em không có đi biểu tình”, Năm Quang lí nhí.

Biết rồi, nhưng ai bảo mày đứng đó. May là sáng nay không có sinh viên Y - Nha - Khoa, nếu không có nếu không tao cho mày ăn cơm tù. Còn một năm nữa là tốt nghiệp, lo học ra làm bác sĩ, đừng có xớ rớ đến mấy chỗ biểu tỉnh, nghe chưa?”, hắn quát.

Năm Quang tỏ vẻ nghe lời, vâng dạ rồi ký vào biên bản do tên sỹ quan đã viết sẵn đưa cho. Thân phận chưa bị lộ, nghĩa là anh vẫn tiếp tục là một điệp báo.

Song song với hoạt động xây dựng cơ sở, Năm Quang hằng ngày vẫn đi đến các xóm lao động nghèo để phát thuốc, khám bệnh cho dân. Những xóm lao động nghèo này cũng là lõm chính trị mà Năm Quang có nhiệm vụ xây dựng để các bộ phận khác của T4 có thể móc ráp, gây dựng cơ sở tình báo.

Anh hùng tình báo kể chuyện đấu trí với máy phát hiện nói dối - 2

 

Hôm nay, Năm Quang đến thăm lại người đàn ông bị thương mà anh vừa cứu chữa ngày hôm qua. Chẳng là khi anh đang dẫn đoàn sinh viên đi khám bệnh, phát thuốc thì một cô gái rụt rè đến gần xin một ít bông băng, thuốc đỏ và thuốc chống viêm nhiễm. Cô gái cho biết anh trai mình đi nhặt phế liệu không may bị thương do mìn nổ, không có tiền đi bệnh viện nên phải điều trị ở nhà. Anh đề nghị cô gái dẫn về nhà để thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân.

Nhìn qua vết thương, anh đoán ngay được vết thương này do đạn gây ra chứ không phải mìn như cô gái nói. “Người này là cán bộ ở rừng về bị phục kích rồi. Vết thương hoại tử rồi, nếu đưa lại anh ấy về vùng lõm an toàn hoặc đi bệnh viện sẽ bị phát hiện”. Nghĩ thế, anh cùng các sinh viên tổ chức giải phẫu tại chỗ rồi hỗ trợ chi phí cho gia đình cô gái chăm sóc bệnh nhân.

Mải suy nghĩ, anh đến xóm nghèo lúc nào không biết. Kỳ lạ, tại sao xóm bỗng yên lặng bất thường thế này? Thấy một người phụ nữ đang quét rác, anh toan tiến lại gần để hỏi thăm nhưng ánh mắt người phụ nữ ấy nhìn anh rất hoảng hốt, như bảo anh hãy nhanh chóng rời khỏi đây. Dưới đất, dấu giày đinh in hằn trên lớp bụi dày.

Hiểu ra, anh tính toán nhanh. Nếu bỏ chạy chắc chắn không thoát mà còn dễ bị lộ tính hợp pháp. Đánh liều anh cứ tiến đến ngôi nhà có bệnh nhân đang đợi anh. Đúng lúc này, một toán lính lao đến trói gô anh lại.

Mày thuộc đơn vị nào của Việt cộng?”, gã lính đấm mạnh vào bụng Năm Quang khiến anh đau nhói.

Mấy anh nói giỡn, tôi chỉ là sinh viên đi cứu trợ”.

Nói dối hả mày, đi cứu trợ hay đi cứu thằng Việt Cộng kia”, vừa nói, gã lính vừa chỉ về hướng người bị thương đang nằm cong queo dưới đất, bê bết máu, lớp băng cứu thương xổ tung.

"Tôi đâu cần biết ảnh có phải Việt Cộng hay không, tôi là bác sĩ sắp tốt nghiệp, thấy người bị thương thì cứu thôi. Mấy ông không được hành hạ tôi trái phép, tôi sẽ kiện các ông. Tôi là em trai của Trung tá Sinh, phó tỉnh Bến Tre”.

Nghe đến đó, tên lính không còn đánh anh nữa, ngờ vực hỏi: “Sao mày là anh em quốc gia mà không báo cáo cho nhà chức trách?”.

Anh hùng tình báo kể chuyện đấu trí với máy phát hiện nói dối - 3

35 năm sau ngày giải phóng, lực lượng điệp báo A10 mới chính thức được lộ diện.

Nói rồi tên lính tháo trói cho Năm Quang. Thấy nhóm lính định đem người bị thương và gia đình cô gái đi, Năm Quang nói lớn: “Các ông có muốn điều tra cũng phải giữ cho người ta sống chứ, tôi phải cứu chữa người kia”.

Tên lính gật đầu. Năm Quang tiến lại gần bệnh nhân, lòng đau như cắt. Người bị thương lặng lẽ nhìn Năm Quang, nhân lúc bọn lính không để ý, nói thầm: “Nếu là đồng chí xin hãy chích cho tôi một liều thuốc độc, sau đó treo một cái nón lên cây thị ở đầu xóm Sen. Trước sau gì, chúng cũng hành hạ tôi chết thôi”.

Anh nhớ ánh mắt van nài, cầu khẩn ấy của đồng đội suốt đời.

Những ngày trong lính

Sau 2 lần bị bắt, đặc biệt là tình huống Năm Quang cứu người chiến sỹ một cách trùng hợp khiến mức độ an toàn của Cụm A10 không còn nữa. Lúc này, Năm Quang cũng vừa tốt nghiệp ngành y, đang trong giai đoạn chưa phải đi lính, nhưng những người từng tham gia biểu tình thường sẽ khó được xét miễn hoãn. Một ngày, anh nhận được chỉ thị: Tình nguyện đi lính để xóa sạch nghi ngờ của địch, tạm thời ẩn thân.

Với bằng cấp của mình, khi đi lính, Năm Quang dễ dàng trở thành sỹ quan quân y với cấp bậc Trung úy, bác sỹ Tiều đoàn 6, sư đoàn Thủy quân Lục chiến.

Thời đó, mỗi lính Việt Nam Cộng Hòa thường được nhận lương 11.000 đồng một tháng, thế nhưng cứ nhận được bao nhiêu họ lại tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí là nhận trước lương tháng sau để tiêu pha, ăn chơi. Thấy vậy, Năm Quang ân cần: “Các chú sao không để dành gửi về cho vợ con?”.

Nghe anh hỏi, toán lính cười ồ: “Thầy nói sao chứ, ra chiến trường biết sống chết lúc nào. Mình chết thì thằng khác cũng móc túi mình lấy tiền thôi”.

Lần khác, khi anh đang ngồi trong lều ở doanh trại, một trung sĩ bước vào. Rụt rè, người này lên tiếng một cách thì thầm: “Thầy có thể cho em một giấy phép về Sài Gòn được không? Bao nhiêu tiền cũng được?”.

Năm Quang nhìn người lính đối diện, mỉm cười hỏi: “Anh trình bày cho tôi một lý do hợp lý”.

Em vừa nhận tin, vợ con em ở quê đã chết vì mìn của quân đội gài lúc đi làm ruộng. Cả 3 mẹ con chết thảm. Em muốn về Sài Gòn để hỏi xem vì sao hiệp định đã ký mà mà vẫn còn chiến tranh, bọn em vẫn phải chiến đấu, vợ con em vẫn chết”.

Năm Quang lặng lẽ ngồi nghe tâm sự của người lính, anh để ý, qua hình dáng, người này chắc cũng trải qua không biết bao nhiêu trận khói lửa, không biết bao lần rơi vào cửa tử nhưng vẫn trở về. Thế mà vợ con anh ta ở quê lại chết khi đi làm chỉ vì đạp trúng mìn của đồng đội chồng mình.

Ký giấy cho người lính, Năm Quang không quên dặn anh ta thay vì vào thẳng Dinh Độc Lập, hãy đến Hạ viện để gặp một dân biểu. Mà chỉ anh biết, dân biểu này chính là một cơ sở của cụm A10.

Cứ như thế, trong thời gian làm bác sĩ trưởng của Tiểu đoàn 6, anh thường xuyên cho những người lính thủy quân lục chiến được điều trị lâu hơn. Cảm sốt thông thường chỉ nghỉ 3 ngày, anh cho nghỉ 7 - 10 ngày.

Một lính bị thương, anh quy định phải có 10 - 20 người khác cho máu với lượng 10cc/lượt/người. Người cho máu được miễn trực gác chốt tiền tiêu và được bồi dưỡng lương khô nên rất thích, do đó đơn vị thường không đủ quân số trực chiến đấu nên canh gác lỏng lẻo.

Anh hùng tình báo kể chuyện đấu trí với máy phát hiện nói dối - 4

Đến năm 2012, bác sĩ Khánh Duy (áo xanh), bí danh Năm Quang mới chính thức được công nhân phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang".

Bằng kỹ thuật chuyên môn, anh giúp những người lính để họ được giải ngũ, trở về với gia đình. Những lúc ngồi uống rượu, trong giọng điệu khề khà, anh làm công tác binh vận, tuyên truyền…

Qua công tác tâm lý, nhiều lính thủy quân lục chiến nhờ anh cắt bỏ chữ “thủy quân lục chiến sát cộng” xăm trên tay. Anh không làm, vì nếu làm sẽ bị an ninh quân đội theo dõi nguy hiểm. Anh nghĩ ra cách nói bóng gió với các y tá dưới quyền: “Tụi nó ngu quá, lấy thuốc tím đậm đặc bôi lên là bị hủy ngay”.

Trớ trêu, thấy anh làm tích cực, sống sâu sát ngày đêm với lực lượng thương bệnh binh và một thời gian dài đơn vị không có lính nào chết, chuẩn tướng Bùi Thế Lân - Tư lệnh Sư đoàn thủy quân lục chiến đáp trực thăng xuống, gắn lên ngực anh huân chương “Anh dũng bội tinh”.

Cuộc chiến không tiếng súng

Đà Nẵng giải phóng, Năm Quang mất liên lạc với An ninh T4. Giữ vững nhiệm vụ, anh vẫn ra trình diện Ủy ban quân quản Đà Nẵng với tư các đại úy, bác sĩ quân y Việt Nam Cộng Hòa. Do lúc này thiếu nhân lực, anh được tạm phân công làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngày 30/4 lịch sử, khi đồng đội, đồng chí hò reo hạnh phúc ở Dinh Độc Lập, ngồi tại nơi làm việc ở Đà Nẵng, anh có chút chạnh lòng. Nhưng anh biết, nhiệm vụ của anh vẫn còn, anh là cán bộ tình báo, cấp trên vẫn chưa cho phép anh lộ diện.

Tháng 5/1975, Năm Quang bắt được liên lạc với an ninh T4 và được gọi trở về Sài Gòn, tiếp tục công tác.

Bất ngờ, Năm Quang nhận giấy triệu tập đi tập trung học cải tạo vì là sỹ quan chế độ cũ. Không giải thích, không thanh minh, anh lặng lẽ thu xếp hành trang vào trại cải tạo, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của tổ chức.

Tại trại Trảng Lớn (Tây Ninh), không ít lần anh giúp Ban Quân quản phát hiện một số đối tượng che giấu lý lịch và âm mưu chống phá trại, báo cáo cấp trên. Nhiệm vụ của anh không chỉ có vậy, cấp trên còn muốn anh đi ra nước ngoài.

Đồng đội anh không hiểu hết ý nghĩa nhiệm vụ của chuyến công tác đặc biệt này nên có người xót xa, có người nghi ngờ. Không sao, làm điệp báo đơn tuyến, hoạt động bí mật, cuộc đời anh cũng trải qua không ít tủi nhục, bị hiểu lầm. Anh quen rồi việc chịu đựng tiếng chê trách, khinh bỉ.

Thế nhưng chỉ 6 tháng sau, Năm Quang kết thúc nhiệm vụ vì cấp trên rút anh về lại Sài Gòn, chuyển về khối an ninh chính trị thuộc Ban An ninh Nội chính TP.HCM với quân hàm thiếu úy.

Anh hùng tình báo kể chuyện đấu trí với máy phát hiện nói dối - 5

Những hoạt động sinh hoạt hằng ngày tại Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa.

45 năm sau ngày giải phóng, Năm Quang bây giờ không còn là cậu sinh viên Y khoa trẻ trung, năng động, nhiệt huyết đấu tranh ngày nào, cũng không phải là người điệp báo an ninh gai góc, mạnh mẽ. Ông bây giờ là người “bố” của những thanh niên lầm đường, lạc lối, trót sa vào “cái chết trắng”.

Ông kể, suốt những năm còn công tác tại Trại giam Chí Hòa hay Tòa án Nhân dân TP.HCM, không ai biết ông là điệp báo. Mãi đến năm 2010, tròn 35 năm sau ngày giải phóng, những người chiến sỹ điệp báo ấy mới lần đầu được lộ diện.

Nhiều người bất ngờ khi biết tôi là tình báo. Họ bảo cứ tưởng do tôi là người có trình độ, chuyên môn nên được giữ lại làm việc. Hoạt động bí mật có nguyên tắc việc ai nấy biết, chẳng ai được phép tìm hiểu ai, ngoại trừ Thủ trưởng trực tiếp”.

Năm 2000, Năm Quang về hưu với tỷ lệ mất sức là 61%. Nhưng ông nào chịu ngồi một chỗ nghỉ ngơi. Từ những ngày tháng còn công tác, dường như là duyên phận, ông thường xuyên tiếp xúc với những đối tượng nghiện ma túy.

Kể cả thời làm tòa án, tôi cũng thường xuyên xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy, như cái nghiệp vậy đó”, ông cười hiền kể lại.

Thế rồi ông kêu gọi bạn bè, người thân thành lập nên Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện Ma túy Thanh Đa. Ông bảo, đây thành quả của tập thể cựu chiến binh, những người trở vế sau chuỗi ngày dài đấu tranh và đang tận dụng quỹ thời gian ít ỏi để níu lại những mảnh đời trót sa ngã vào cái chết trắng.

Nói chuyện, gần gũi với các em rồi tôi mới thấy, trong số những người nghiện ma túy không phải ai cũng do tính cách hư hỏng, ăn chơi đâu, cái đó chỉ một phần thôi. Mình phải quan tâm đến cả tâm lý các em, cho các em cảm thấy nơi đây như một gia đình, phải tác động vào não bộ thì lúc đó mới thành công”, ông phân tích.

Với ông, người làm công tác cai nghiện phải bắt nguồn từ cái tâm vì việc cai nghiện rất khó khăn, đòi hỏi phải nhẫn nại, kiên trì. “Nếu nhân viên ở đây không có tâm và tình thương yêu thì không làm việc lâu dài được”, ông bảo.

Mà đúng, tôi để ý rằng các nhân viên và học viên ở Trung tâm đều gọi ông là “bố”, tiếng gọi thân thương thể hiện sự kính trọng, yêu mến đối với người lãnh đạo, người cha.

Thỉnh thoảng giữa buổi nói chuyện, nhiều người chào ông thân mật. Đáp lại, với ai ông cũng thể hiện thái độ niềm nở, nhẹ nhàng.

Video: Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy tâm sự về Trung tâm cai nghiện Thanh Đa

Nhật Linh - Đinh Tiên(Đồ họa: Hà Thành)
Bình luận
vtcnews.vn