Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ CKII Lê Ngọc Tuấn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết: "Cách đây ít ngày, Khoa Hồi sức cấp cứu của đơn vị tiếp nhận bệnh nhi bị hóc dị vật (kẹo dẻo) được gia đình đưa vào cấp cứu. Mặc dù đã được đội ngũ y bác sĩ tích cực cấp cứu, song do bệnh nhân được đưa đến muộn nên bệnh nhi đã không qua khỏi".
Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân được biết, tối ngày 25/9, cháu B.H.M (SN 2017, trú tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang hiện đang học lớp 1 trường Tiểu học Tân Hương), sau khi ăn kẹo dẻo ở nhà thì có biểu hiện bị hóc.
Ngay khi phát hiện sự việc, cháu M. được người thân sơ cứu khoảng 15 phút và chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cấp cứu.
Trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhi M, Th.s, bác sĩ Hà Thị Huê - Phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang) cho biết: Vào khoảng 20h50 ngày 25/9, bệnh nhân nhi B.H.M được người nhà đưa vào khu cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, da ấm, mạch cảnh rời rạc; sau đó bệnh nhân được chuyển xuống Khoa Hồi sức cấp cứu.
"Khi bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế, kip trực đã khẩn trương tiến hành cấp cứu bệnh nhân. Chúng tôi xác định cháu bé bị hóc dị vật tại ngã ba đường thở và tiến hành gắp dị vật ra. Thời gian gắp dị vật để khai thông đường thở cho bệnh nhân khoảng từ 2-3 phút và dị vật được lấy ra là kẹo dẻo màu đỏ.
Cùng với việc gắp dị vật, chúng tôi tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim bệnh nhân khoảng 10 phút thì có tim đập trở lại, có huyết áp, có mạch; nhưng bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc…", Bác sĩ Huê nói.
Ngay khi bệnh nhi có tim đập trở lại, kíp cấp cứu đã giải thích cho người thân cháu bé; đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhi Hải Dương, sẵn sàng phương án chuyển tuyến cho cháu. Bệnh viện cũng đã khuyên gia đình nên chuyển tuyến cho cháu M và thông báo tình trạng bệnh của cháu cho người nhà nắm được. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân nhiều lần xuất hiện ngừng tim. Đến 22h30 cùng ngày, công việc cấp cứu cho bệnh nhân kết thúc và gia đình xin đưa cháu M. về nhà. Sau đó, bệnh nhân qua đời tại nhà riêng (xã Tân Hương, huyện Ninh Giang).
Cũng theo bác sĩ Hà Thị Huê, kíp cấp cứu cháu M. có hơn 10 người (trong đó có 3 bác sĩ) gồm: Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa liên chuyên khoa (Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng) và điều dưỡng chuyên khoa. Mặc dù kíp cấp cứu đã cố gắng hết sức, nhưng phép màu đã không đến với cháu M.
Cô giáo Lê Tố Uyên – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Hương bày tỏ: "Đây là sự việc đáng tiếc không may xảy ra đối với học sinh trường tôi. Khi biết tin, BGH nhà trường, đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường, Ban đại diện lớp, giáo viên chủ nhiệm cùng các thầy cô đã đến hỏi thăm, chia buồn, động viên gia đình em. Qua đây, tôi mong các bậc phụ huynh cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ ăn những loại kẹo dẻo, kẹo cao su… để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra".
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hạn chế cho con nhỏ ăn kẹo dẻo và khi trẻ ăn, người lớn cần chú ý quan sát. Trường hợp không may trẻ bị hóc, người thân nên bình tĩnh tiến hành sơ cứu, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để cấp cứu. Ngoài ra, bậc cha mẹ cần có kỹ năng cơ bản trong việc sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật và các sở giáo dục nên đưa vấn đề này vào bài học hoặc chương trình ngoại khóa...
Bình luận