• Zalo

Tưởng bị ung thư vì nổi hạch, không ngờ do hóc xương cá từ 6 tháng trước

Tin tứcThứ Hai, 14/08/2023 15:36:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nam thanh niên 17 tuổi ở Kiên Giang có khối sưng to ở cổ, sợ bị ung thư nên đi thăm khám, nhưng kết quả xác định người này bị hóc xương cá "di cư" ra vùng cổ.

Ngày 14/8, thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân 17 tuổi bị hóc xương cá từ đường ăn "di cư" ra vùng cổ.

Bệnh nhân tên T.B.T (17 tuổi, ngụ Kiên Giang), nhập viện trong tình trạng sưng đau vùng dưới cằm do hóc xương trong cuộc nhậu trước đó 6 tháng. 

Bệnh nhân T. cho hay, sau khi bị hóc xương khoảng 3 - 4 ngày, T. thấy có nổi hạch ngay dưới cằm và sưng lên. Khoảng 1 tuần sau, T. bị sốt, đi khám ở bệnh viện huyện được chẩn đoán viêm hạch bình thường. Bệnh nhân tự uống thuốc thì hạch xẹp, nhưng ngưng thuốc hạch lại sưng.

Bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thăm khám.

Bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thăm khám.

"4 tháng sau, sợ bị khối u nên tôi tự lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám. Bác sĩ siêu âm phát hiện có dị vật và chuyển tôi qua Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị", bệnh nhân T. cho hay.

BS.CKI Nguyễn Hoài Thu (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM) cho biết, bệnh nhân T. nhập viện ngày 5/8, được chẩn đoán dị vật sàn miệng, biến chứng áp xe mô mềm xung quanh. Bệnh nhân được phẫu thuật mở vùng sàn miệng đường ngoài dẫn lưu áp xe và lấy dị vật sàn miệng.

"Quá trình phẫu thuật, bác sĩ dẫn lưu ra khoảng 5 ml mủ đục và lấy dị vật là xương cá ở vùng sàn miệng kích thước khoảng 15 mm. Hiện vết mổ đã khô, bệnh nhân được cắt chỉ và dự định sẽ xuất viện trong hôm nay", BS Thu nói.

BS Thu cho biết thêm, hóc xương cá là tai nạn thường gặp. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 3.000 trường hợp dị vật đường ăn đến khám. Tuy nhiên, một số trường hợp xương cá không nằm trong vùng họng hay thanh quản mà “di cư” ra vùng cổ rất hiếm gặp, gây ra tỷ lệ biến chứng đáng kể.

Theo BS Thu, những phương pháp dân gian như nuốt cơm, nuốt chuối không có hiệu quả mà còn vô tình góp phần đẩy mảnh xương cắm sâu hơn vào mô xung quanh, gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị. Các vị trí mà dị vật đường ăn thường “di cư” đến bao gồm thân lưỡi, sàn miệng, dưới da vùng cằm, dưới da vùng cổ, tuyến giáp. Trên đường di chuyển của dị vật có thể gây ra nhiều biến chứng, tổn thương mạch máu, nhiễm trùng cổ, áp xe cổ…

Bác sĩ lưu ý, khi hóc xương cá và cảm thấy nuốt đau, nuốt vướng, cần đi khám càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp dị vật trôi đi mà không gây ra triệu chứng đáng kể, đầu nhọn của xương gây đau do trầy xước niêm mạc nhưng cơn đau giảm dần sau 1-2 ngày.

"Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc bệnh nhân bị sưng cổ, sốt, cần phải đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Khi ăn cơm với cá phải cẩn thận, gỡ bỏ xương cá cho trẻ em, không cười đùa khi ăn. Nếu nghi hóc xương, dị vật, phải đến cơ sở y tế khám ngay. Cần chụp CT-Scan nếu có tiền sử hóc xương cho dù đã được các cơ sở y tế khác kiểm tra để loại trừ dị vật di cư", BS Thu khuyến cáo. 

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn