• Zalo

Thượng tá Công an TP.HCM cũng nhận được cuộc gọi 'mời làm việc nhẹ lương cao'

An ninh hình sựThứ Năm, 30/03/2023 19:04:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho hay, ông cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn mời làm việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội.

Tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM vào chiều 30/3, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, hiện tội phạm công nghệ cao có nhiều thủ đoạn để lừa đảo.

Tội phạm công nghệ cao cũng gọi điện, nhắn tin lôi kéo, dụ dỗ Thượng tá Hà làm việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội.

"Tôi trả lời rằng sao bạn không đưa cho người nhà bạn làm lấy tiền mà đưa cho tôi thì họ ngắt liên lạc. Nói như vậy để thấy rằng người dân phải hết sức cẩn thận trước những chiêu trò lừa đảo công nghệ cao trên mạng xã hội, không chuyển tiền và không chuyển mã OTP, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai kể cả xưng là kiểm sát viên, điều tra viên, nhân viên ngân hàng", Thượng tá Hà nói.

Đối với loại tội phạm liên quan đến lừa đảo công nghệ cao, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, hiện có hơn 20 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao khác nhau.

Khi tiền được chuyển vào tài khoản lừa đảo, chỉ từ 10 - 20 phút tiền sẽ được chuyển nhỏ qua nhiều tài khoản khác nhau để rút và mua hàng trên các sàn thương mại điện tử ở nước ngoài. 

Thượng tá Công an TP.HCM cũng nhận được cuộc gọi 'mời làm việc nhẹ lương cao' - 1

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM.

Theo Thượng tá Hà, vừa qua Bộ Công an, Công TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố danh sách các số tài khoản ngân hàng liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân phòng tránh. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền chỉ là một phần trong công tác phòng ngừa, đấu tranh; việc phối kết hợp giữa công an với các ngân hàng vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Khi nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền vào các số tài khoản kẻ lừa đảo cung cấp, người dân thường đến ngay ngân hàng do mình mở tài khoản yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản hoặc chặn việc giao dịch, nhiều ngân hàng yêu cầu phải có công văn của cơ quan công an yêu cầu thì mới vào cuộc được.

Đến khi có sự đồng thuận giữa 2 bên thì các kẻ lừa đảo đã chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác. Khi công an muốn phong tỏa tài khoản cá nhân phải thực hiện một số thủ tục nhất định theo trình tự pháp luật, thời gian chờ đợi rất bất cập, đến khi ngân hàng nhận được văn bản yêu cầu thì tiền trong tài khoản nhận đã chuyển đi hết.

Liên quan đến yếu tố bảo mật thông tin cá nhân khách hàng nên nhiều ngân hàng phải chờ có ý kiến của lãnh đạo ngân hàng duyệt mới được phép phong tỏa tài khoản nhận tiền.

"Có trường hợp nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng vào thứ 7, chủ nhật, họ trình báo ngay với công an nhưng phía ngân hàng lại không làm việc nên thời gian chờ đợi phong tỏa kéo dài, tỉ lệ nghịch với thời gian mà đối tượng thực hiện việc chuyển tiền để tẩu tán", Thượng tá Hà nói. 

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn