Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á của hãng nghiên cứu Statista, Việt Nam dự kiến sở hữu thị trường mua sắm trực tuyến lớn thứ 2 tại Đông Nam Á trước năm 2025. Trong đó, sàn thương mại điện tử vẫn đang là kênh chiếm ưu thế trong số các hình thức mua hàng qua mạng, thể hiện qua lượt truy cập cũng như khối lượng giao dịch được thực hiện.
Cụ thể, một báo cáo về thị trường Internet tháng 2/2022 cho thấy, tổng số lượt truy cập trên Shopee là 78,5 triệu lượt, trên Lazada là 14,8 triệu lượt, Tiki hơn 14 triệu lượt. Trong bảng xếp hạng các ứng dụng di động (Android, iOS) mua sắm tại Việt Nam, Shopee cũng là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, xếp sau là Lazada, Tiki. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cũng dần mở rộng hoạt động TMĐT và giao dịch trực tuyến. Điển hình như Facebook, Google, Youtube, TikTok… cho phép hiển thị quảng cáo mua bán hàng hoá, sản phẩm, có thể thực hiện mua bán qua liên kết với các sàn TMĐT, hoặc tích hợp trực tiếp việc đăng bán, mua sản phẩm trên các nền tảng này.
Các chuyên gia dự đoán tổng giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD sau 3 năm nữa, tăng gấp 3 so với năm 2021 (13,7 tỷ USD, theo Bộ Công Thương). Điều này đặt ra bài toán năng lực kinh doanh của doanh nghiệp TMĐT khi họ buộc phải tìm phương án đảm bảo sự ổn định trong khâu vận chuyển hàng hóa (logistics) để các nhà bán hàng theo kịp đà phát triển của thị trường trong bối cảnh những "chợ" trực tuyến đã đi vào hoạt động "đâu vào đấy".
Trước bối cảnh đó, các hãng bưu chính thương mại điện tử (E-logistics) cũng phải nỗ lực tăng cường hiệu quả cho dịch vụ chăm sóc khách hàng nhằm hỗ trợ nhà bán lẻ, chủ cửa hàng trực truyến cũng như doanh nghiệp.
Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh của Ninja Van Việt Nam nhận định việc ứng dụng công nghệ hiện đại của đơn vị E-logistics giúp đơn giản hóa các quy trình xử lý phức tạp, hỗ trợ nhà bán lẻ tăng cường năng lực bán hàng trong, ngoài nước và xử lý vấn đề về đơn hàng nhanh chóng ở bất kỳ đâu, qua đó góp phần tăng lòng tin của người mua hàng và ổn định doanh thu. Lấy chính doanh nghiệp của mình ra làm ví dụ, ông Dũng cho biết hãng đang triển khai mô hình dịch vụ "Gỡ rối đơn hàng" tại các thị trường TMĐT sôi động như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và mới đây là Việt Nam.
"Đây là mô hình chăm sóc khách hàng mới, tập trung giải quyết vấn đề một cách chủ động cho nhà bán hàng chỉ bằng một biểu đơn duy nhất, được gửi trực tiếp đến các phòng ban liên quan bằng hình thức trực tuyến. Dịch vụ 'Gỡ rối đơn hàng' sẽ đáp ứng sự cấp thiết cho khách hàng khi có sự cố về đơn mua thông qua 3 điểm trọng yếu so với kênh truyền thống gồm phản hồi nhanh, trả lời mọi câu hỏi liên quan đến đơn hàng và dễ sử dụng", lãnh đạo đơn vị giải thích thêm.
Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, thúc đẩy quá trình xử lý đơn hàng nhanh chóng, chính xác, đem đến sự ổn định cho việc kinh doanh của nhà bán hàng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cho dịch vụ chăm sóc giúp hãng thiết lập kênh thông tin hiệu quả hơn giữa đơn vị E-logistics và doanh nghiệp TMĐT, đồng thời phát triển nền tảng giao tiếp hiệu quả cao cho mạng lưới nhà bán hàng, đại lý kinh doanh khắp cả nước.
Trong báo cáo "Xu hướng tiêu dùng toàn cầu năm 2022" của Qualtrics được thực hiện tại 23 quốc gia, hơn 60% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ mua nhiều hơn nếu các nhà bán hàng có phản hồi tích cực với họ, đồng thời quyết định mua sắm tăng gấp 3,5 lần sau những trải nghiệm tích cực với nhãn hàng. Từ dữ kiện của 23.000 người mua hàng tham gia khảo sát, Qualtrics chỉ ra rằng hơn 9% doanh thu của nhà bán hàng bị ảnh hưởng nếu trải nghiệm mua hàng của người mua hàng bị gián đoạn.
"Chiến lược mới nhất sẽ tập trung vào cải thiện các trải nghiệm không tốt, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu (hơn 9%) của nhà bán hàng trong giai đoạn phát triển của ngành thương mại điện tử", ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận