(VTC News) - Thực phẩm đông lạnh đã hiện diện trong các gia đình thành phố, mặc dù vẫn bị “chê” là kém tươi mới nhưng sự phong phú và tiện ích lại là lợi thế để đồ đông lạnh tìm được chỗ đứng. Tuy nhiên, tương lai của đồ đông lạnh Việt sẽ phụ thuộc vào người tiêu dùng trẻ.
Khác biệt thế hệ
Nam, học sinh lớp 11 trường Lương Văn Can mặc dù chưa từng cùng mẹ đi chợ cóc và không hề có khái niệm về các loại cá “truyền thống” như: trê, diếc, mè, trắm, rô đồng, nhưng cậu bé lại tỏ ra khá “sành” với các loại cá “siêu thị” như cá thu, cá chim, cá hồng, cá trứng, cá chồi... Nam cho biết: “Mấy loại cá ở siêu thị có vẻ sạch sẽ, khi nấu cho vào rã đông vài chục giây ở lò vi sóng rồi cho vào chảo mỡ, thế là có món rồi”.
Chị Liên, mẹ của Nam cho biết, lúc đầu con trai cùng đi siêu thị chỉ là giúp mẹ mang vác, chia sẻ công việc gia đình. Nhưng dần dần, cậu cũng bày tỏ “quan điểm” ẩm thực về lựa chọn các món từ cá siêu thị. Theo đánh giá của Nam: “Cá siêu thị hầu như không có xương hoặc rất ít. Một số cá tẩm ướp hoặc chế biến sẵn như cá kho, cá viên, tôm bóc vỏ đông lạnh… có vị rất ngon”.
Tuy nhiên, mẹ của Nam thì lại cho rằng: Đồ đông lạnh sạch sẽ hơn vì đã sơ chế, đóng bao gói nhãn mác. Nhưng hầu như cá siêu thị nếu đem rán hay nấu chua thì vị ngon kém xa cá tươi mua ở chợ. Đồ bảo quản đông lạnh như cá, mực, tôm bỏ vỏ khi chế biến đều rất “ngót”, ra nhiều nước.
Nếu rán thì dầu mỡ bắn lung tung hầu như không thể rán giòn được vì ra quá nhiều nước. Khi đã chín vị thịt ăn nhạt hơn, không có vị ngọt tự nhiên như đồ tươi sống.
Còn bác Xuân, cán bộ hưu trí từ 20 năm qua, ngày ngày chỉ đi chợ cóc khăng khăng: Không gì bằng cá đang bơi, làm sạch rồi cho vào nấu giấm chua hoặc rán giòn, chắc chắn ngon hơn hẳn cá đông lạnh. Kể cả thịt lợn, gà, bò cứ mua mới giết mổ về nấu là ngon nhất”. Khác biệt thế hệ đã được “mặc định” ngay trong thói quen đi chợ vì với giới trẻ, tính tiện ích được đặt lên hàng đầu.
Phong phú thực đơn
Dạo một vòng siêu thị mới thấy các nhà sản xuất thực phẩm Việt đã đưa ra thị trường khá nhiều sản phẩm đông lạnh, từ xôi ép đông lạnh, thuỷ hải sản chế biến và làm sẵn các loại, các loại bánh chế biến từ bột gạo và bột mì, rau củ cho món trộn và salat.
Thậm chí một số siêu thị tinh tế còn làm sẵn nguyên liệu cho các món ăn Việt và đem cấp đông, người mua chỉ cần bỏ vào nồi là hoàn thành vai trò nội trợ như ốc nấu chuối đậu, măng tươi xào bò, hoa thiên lý xào bò, sườn lợn xào chua ngọt… Với người trẻ bận rộn, thiếu thốn thời gian, đồ đông lạnh trở thành cứu cánh vì hội tụ đủ các nhu cầu tiện, sạch, dễ mua.
“Tôi có món cá kho tộ rất ngon, vì chỉ đến siêu thị khuân âu cá đã được tẩm ướp đầy đủ, đun chín lên là xong. Tôi vốn chỉ quen làm món rang, rim nếu làm món kho thì ướp phải cầu kỳ hơn nên tôi chọn món siêu thị cho nhanh”- chị Hằng, cán bộ một Bộ ở Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, vệ sinh thực phẩm có đảm bảo hay không là vấn đề người dùng lo lắng nhất với thực phẩm đông lạnh. Ví dụ như món bánh bao đông lạnh, sản phẩm đã được làm chín và có thể để lạnh hàng tháng, nhưng xem thành phần không hề có chất bảo quản, thực tế có phải như vậy không?
Ngoài ra, danh mục sản phẩm thực phẩm đông lạnh gần đây đã phong phú, nhưng nhu cầu người dùng vẫn muốn phong phú thêm nữa, đặc biệt là các món ăn truyền thống, các loại bánh hợp khẩu vị của người Việt.
Lưu ý chế biến
Bên cạnh các ưu điểm như chế biến sẵn, tiện, có hương vị lạ miệng, giá cả vừa phải, đồ đông lạnh có một số nhược điểm như dễ hao đồ, vị thịt cá nhạt, không tươi, chế biến xong không thơm ngon mà vẫn bị cảm giác cứng, xác, không dai mềm.
Theo PGS TS Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm, thực phẩm khi bảo quản đông lạnh thì nước bị tách riêng, thịt tách riêng, do đó khi cho vào nấu nước gặp dầu mỡ sẽ bị bắn nên khi chế biến cần lưu ý.
Còn GS Nguyễn Công Khẩn, chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, về dinh dưỡng, nếu thực phẩm đông lạnh được bảo quản đúng tiêu chuẩn về nhiệt độ thì chất lượng cũng sẽ đảm bảo về dinh dưỡng.
Tuy nhiên, nếu không được bảo quản đúng hạn, đúng nhiệt độ cần thiết, sản phẩm sẽ bị làm biến đổi chất lượng (hiện tượng ôi thiu), có thể gây ngộ độc thực phẩm. Cần chọn sản phẩm có hạn sử dụng rõ ràng, ghi rõ thành phần, xuất xứ
Thảo Nguyên
Bình luận