(VTC News) - Thức khuya nhưng không phải để học bài đã trở thành căn bệnh khó chữa của nhiều sinh viên. Đi ngủ sớm chỉ còn là “dĩ vãng”, thay vào đó họ thức đêm để chơi game, lướt web, buôn điện thoại hay đơn giản chỉ là để chém gió.
Buôn chuyện, lên facebook, nấu cháo điện thoại về đêm
Yêu nhau được hơn 2 năm nhưng do người yêu ở xa nên Lê Hoài Th (ĐH Công đoàn) thường buôn chuyện với người yêu có khi tới 2h sáng mới đi ngủ, lâu dần cô cũng thấy quen với giờ giấc sinh hoạt này.
“2 đứa mình mua một cặp sim Beeline và cứ thế nói hết chuyện này tới chuyện khác. Buổi tối sau khi đã xong bài mình thường gọi cho anh ý trước, bạn cùng phòng cũng khuyên mình không nên nói chuyện nhiều qua điện thoại, có thể ảnh hưởng tới thính giác nhưng thỉnh thoảng người yêu mình bận không nói chuyện được thì mình cũng mất ngủ luôn đâm ra quen. Sáng hôm sau mình vẫn đi học tiết 1 như bình thường, hôm nào không học sáng thì 10h mình mới dậy” - Hoài Th tâm sự.
Giờ đây thức đêm học bài là hơi xa xỉ với sinh viên? |
Còn đối với Phạm Minh H (ĐH Công nghiệp dệt may thời trang VN) lướt web như một bản năng không thể thiếu mỗi khi đêm xuống. Là thành viên tích cực của mạng xã hội Zing me và Facebook, không đêm nào Hằng không lên mạng online “chém gió”. “Giờ ai chả tham gia facebook, mình thì nghiện hẳn rồi, quen được nhiều bạn hơn, cũng thấy cuộc sống vui hơn. Cứ lúc nào ngơi ra là mình lên face thôi. Việc ngủ thì nói thật sinh viên ai mà không ngủ gật bao giờ” - Hằng hóm hỉnh tâm sự.
Được coi là bệnh chung của sinh viên, nhiều bạn cũng không thể ngủ sớm vì “người ta còn thức thì đâu dễ để cho mình đi ngủ”. 3 năm liền ở trong ký túc xá Nguyễn Thị Nhung, sinh viên một trường ĐH đã quen với nếp ngủ muộn lí giải rằng :“đi ngủ muộn dù không có việc gì làm, hay đơn giản chỉ buôn hết chuyện thầy, chuyện cô rồi đến người nổi tiếng A, người B cũng đã đủ cho 10 con người trong một phòng rôm rả và lôi cuốn vào những vụ tám chuyện.
Phòng này cười thì phòng kia phải hát, nhiều khi đã trở thành “phong cách sống” và thói quen rất sinh viên, có khi chúng mình lại thức để làm bánh ăn đêm, rất vui đấy. Đương nhiên mình vẫn phải dành thời gian để ôn luyện, học bài song không nhiều”.
Lọ mọ đêm hôm làm tiểu luận
Bạn Lê Thị Xuyền (Báo in K28A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Đã rất nhiều lần mình phải thức khuya làm tiểu luận. Bình thường thì cứ mải chơi rồi đến sát ngày nộp thì tối tăm mặt mũi với tiểu luận. Cũng có thể do mình thích thế. Nếu mỗi ngày làm một ít, tớ thấy cứ bứt rứt vì việc chưa xong. Vậy nên, tớ thích làm một mạch cho xong cho dù phải thức trắng đêm.
Nhiều lần thức khuya làm tiểu luận nhưng đáng nhớ nhất với mình có lẽ là những khi đang làm mà đói. Nhà thì hết cơm. Bánh mì hay mì tôm cũng chẳng có. Uống nước trừ bữa, vừa làm tiểu luận vừa tưởng tượng ra đủ món ăn mình thích trên đời. Vậy là ngủ không được mà làm tiểu luận cũng không xong”.
Thức đêm có ngày hỏng thi
Ai cũng biết ngủ sớm sẽ có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Song với nhiều bạn sinh viên thì ngủ sớm thực sự là khó khăn. Minh H kể lại: “Thực ra không thức khuya thì việc thi thoảng ngủ gật trên lớp cũng “bình thường” nên giờ học nào thầy dễ thì mình tranh thủ ngủ thôi. Bọn mình hay nói vui đó là những giờ “gục và gật”.
Thành lập cả những hội cú đêm điểm danh lúc 3, 4h sáng |
Bài vở thì mình mượn bạn về chép. Nhưng nhớ nhất là lần kiểm tra giữa kỳ trên lớp lại đúng bài mình không nghe, cũng không chép nên dĩ nhiên là bị nhận điểm kém. Giờ mỗi khi gần tới tuần kiểm tra mình không dám “nấu cháo” đêm nữa.”
Song việc thức khuya dậy muộn còn khiến H phải thi lại một môn do ngủ quên: “Những khi dậy muộn thì tớ ngủ luôn tới trưa vì có tới lớp cũng không kịp điểm danh nữa. Sau này thỉnh thoảng tớ có nhờ được vài “cạ cứng” điểm danh hộ. Song chả ai thi hộ mình được. Tớ đã bị học lại một môn do ngủ quên. May là học tín chỉ nên mình cũng cố “cày” thêm cho qua môn này”
Không ít bạn sinh viên nhận ra thói quen ngủ muộn hoàn toàn không tốt. Có những phòng trong kí túc xá đặt ra lịch đi ngủ, song được đôi tuần, mọi việc lại đâu vào đó. Hầu hết các bạn thức tới 2, 3h sáng rồi bình minh lúc 10h hôm sau. Ai phải đi học buổi sáng đều luôn trong tình trạng mệt mỏi, gật gù.
Quãng thời gian được làm sinh viên, không ít bạn trẻ kì vọng sẽ xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức tốt, một sức khỏe tốt để bước vào cuộc sống làm người trưởng thành đúng nghĩa. Song với lối sống như thế này, nhiều bạn đã vô tình hủy hoại sức khỏe, việc học tập vì thế cũng không đạt được hiệu quả cao nhất.
Uyên Bùi – Đỗ An
Bình luận