• Zalo

Thực hiện ‘mật lệnh’ Đại tướng, bắt tổng thống Ngụy đầu hàng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 14/10/2013 07:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hình ảnh Đại tướng hiền lành như người Anh Cả cứ mãi lóng lánh trong tim ông.

(VTC News) - Hình ảnh Đại tướng hiền lành như người Anh Cả cứ mãi lóng lánh trong tim ông.


Bài 2: Bắt sống tổng thống Ngụy

Sau trận đấu súng vào 4h sáng ngày 30-4, quân ta đã vượt qua ngã tư Thủ Đức và 6h sáng thì đến cầu Sài Gòn.


Đại úy Phạm Xuân Thệ thấy lòng xốn xang khó tả. Chỉ một bước qua sông, coi như ta đã găm viên đạn vào não quân thù. Nhưng tiến lên thế nào, khi chỉ có cây cầu hẹp, mà bên kia là những nòng súng liên hồi khạc lửa?

Trong tình huống khó khăn đó, lời của Đại tướng lại văng vẳng bên tai: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Lời Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh cho Đại úy Thệ, khiến anh cùng đồng đội chỉ nghĩ đến phía trước.

Để tiếp cận cơ quan tối cao của Quân đội Việt Nam cộng hòa từ hướng Đông, không còn cách nào khác là vượt qua cầu Sài Gòn.

Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ (bên phải) cùng đồng đội trong lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập bắt Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. 

Lực lượng hỏa lực và xe tăng của binh đoàn thọc sâu được điều tới chân cầu. Xe tăng và pháo bắn thẳng triển khai đội hình chiến đấu bên này cầu, bắn như trút lửa vào đội hình của địch.

Cuộc đấu của hỏa lực mạnh kéo dài hơn một tiếng đồng hồ thì kết thúc. 4 chiếc xe tăng của địch tan xác, 2 tàu chiến bị đánh chìm, các lô cốt, ụ pháo bị xới tung, đội hình giặc tan tác, bỏ chạy. 2 chiếc xe tăng của ta cũng bị chúng bắn cháy, nhiều đồng chí đã ngã xuống bên này chiếc cầu lịch sử.

Nhớ lại giây phút ấy, lòng vị tướng bỗng chùng xuống. Trong các buổi nói chuyện, kể lại giây phút vinh quang bắt Tổng thống Dương Văn Minh, Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Tư lệnh Quân khu 1) không bao giờ quên nhắc lại những đồng đội đã nằm xuống bên này cây cầu Sài Gòn lịch sử. Ông thường nói: “Giây phút mà các anh hy sinh chỉ cách có mấy tiếng là đất nước giành độc lập…”.

Với sức mạnh như bão táp, vị Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng đồng đội tiếp tục vượt qua cầu Thị Nghè tìm đến dinh Độc Lập. Bao nhiêu năm chiến đấu, toàn đánh nhau ở trong rừng, lần đầu tiên thấy Sài Gòn hoa lệ, đường sá như bàn cờ, chẳng biết dinh Độc Lập ở đâu.

Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội bắt Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng 

Chiếc xe Jeep chở Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ dừng lại cạnh một công viên. Một ông già đã xung phong nhảy lên xe dẫn đường cho quân giải phóng đến dinh Độc Lập.

Trên xe, lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam tung bay phấp phới. Trong lòng ông đinh ninh với nhiệm vụ phải cắm lá cờ này lên nóc dinh Độc Lập, để cả nước được vỡ òa, để Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được nhắm mắt ngàn thu.

Chiếc xe Jeep do đồng chí Đào Ngọc Vân lái chạy như bay trên phố. Dinh Độc Lập hiện ra trước mắt. Lúc này, chiếc xe tăng của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận bị mắc kẹt vào cánh cổng phụ, chiếc xe tăng do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã lao lên húc đổ cổng chính.

Chiếc xe Jeep chở đồng chí Thệ đã cùng có mặt. Đại úy Thệ cùng 5 cán bộ, chiến sĩ vác súng chạy thẳng vào dinh, sẵn sàng nhả đạn, sẵn sàng hy sinh. Nhưng điều lạ là không thấy súng nổ gì cả, mà thấy phóng viên tụ tập rất đông.

Ông rẽ đám đông vọt lên cầu thang với mục đích tìm chỗ cắm cờ giải phóng lên nóc dinh Độc Lập. Khi lên đến tầng 2 thì một người xuất hiện chào và nói: “Thưa! Tôi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc”.

Tướng Phạm Xuân Thệ thăm các cháu bé bị bỏ rơi, được chùa Bồ Đề nuôi dưỡng 

Đại úy Thệ cùng mấy cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiến vào phòng họp của nội các Dương Văn Minh. Trong phòng họp rộng lớn, thấy người đứng người ngồi nhốn nháo, toàn cao to, bụng phệ.

Sau khi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu, Tổng thống Dương Văn Minh đứng dậy nói: “Chúng tôi biết Quân giải phóng vào nội đô, đang chờ các ông đến để bàn giao”.

Lúc đó, Đại úy Phạm Xuân Thệ đã thấm nhuần lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải quyết chiến đến cùng, nên ông xác định không có thỏa thuận, bàn giao gì cả. Đại úy Thệ nói rành rọt: “Các ông đã bị bắt. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”.

Đại úy Thệ yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh. Dương Văn Minh đề nghị được ở trong dinh, không ra đường vì sợ… tiếng súng. Khi đó, quả là tiếng súng nổ rầm trời Sài Gòn, nhưng chủ yếu là tiếng súng ăn mừng chiến thắng.

Đại úy Thệ đã áp giải Tổng thống Dương Văn Minh lên chiếc xe Jeep. Dương Văn Minh ngồi trong, Đại úy Thệ ngồi ngoài. Khi đến Đài Phát thanh Sài Gòn, mọi người cùng tụ lại soạn thảo tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc.

Soạn thảo xong, Dương Văn Minh kêu… chữ xấu, không đọc được, nên đề nghị đọc để ông ta chép lại. Khi chép đến đoạn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn…”, thì ông ta phản đối, yêu cầu chỉ đọc chức danh đại tướng.

Tuy nhiên, quân ta dứt khoát yêu cầu xưng danh tổng thống, dù một ngày làm tổng thống thì vẫn là tổng thống. Nếu chỉ xưng danh đại tướng, thì chỉ đại diện cho quân đội.

Dưới sự kiên quyết của Đại úy Thệ và đồng đội, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải đọc nguyên văn nội dung, tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam...”.

Tiếp theo đó là lời tuyên bố của Chính uỷ Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng: “… Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn… Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn giải phóng”.

Lời tuyên bố ngắn gọn trên đài phát thanh đã đánh dấu thời khắc lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Tổng thống Dương Văn Minh đọc xong tuyên bố đầu hàng, Đại úy Phạm Xuân Thệ áp giải ông ta về dinh Độc Lập, bàn giao cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2.

Trong thời khắc cả nước đau buồn tiễn đưa vị Tổng Tư lệnh, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Phạm Xuân Thệ không khỏi bồi hồi xúc động. Bức điện năm xưa cứ vang mãi trong tim ông, như lời hịch trước ngày toàn thắng.

Ngày Đại tướng là chỉ huy tối cao, ông Thệ mới là chiến sĩ, rồi Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, chỉ biết đánh trận, chứ đâu có vinh dự lớn được gặp Đại tướng. Tuy nhiên, hình ảnh Đại tướng luôn ở trong tim ông cũng như toàn quân.

Nhớ lại một ngày năm 1972, sau 5 năm ròng chiến đấu, hy sinh không biết bao nhiêu xương máu, “Sư đoàn thép” 304 mới giải phóng được toàn bộ Quảng Trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Sư đoàn của ông.

Đại tướng gần gũi hỏi han những người lính giống như người cha, người anh đi thăm các em, các con. Đại tướng động viên, khích lệ, căn dặn, chỉ bảo rất cụ thể từng bước để giải phóng dân tộc, khiến anh em chiến sĩ đều vững tin chiến đấu cho ngày toàn thắng.

Sau này, khi đã là Sư trưởng của Sư đoàn 304, rồi Tư lệnh Quân đoàn 2, Trung tướng Phạm Xuân Thệ mới được vinh dự gặp Đại tướng.

Trong bữa cơm thân mật như gia đình ở Tam Đảo năm 1996, Đại tướng vẫn hỏi han tỉ mỉ tình hình đơn vị, chỉ huy ra sao, gia đình thế nào.

Phu nhân của Đại tướng hỏi vui: “Hòa bình rồi, không còn giặc thì các chú đánh ai?”. Trung tướng Phạm Xuân Thệ đáp lại: “Chúng tôi là Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng bảo đánh ai thì đánh người đó”. Đại tướng cười hiền hậu: “Cậu này trả lời hay, khôn thật!”.

Hình ảnh Đại tướng hiền lành như người Anh Cả cứ mãi lóng lánh trong tim ông.


Duy Phong

Bình luận
vtcnews.vn