• Zalo

Thừa muối, thiếu kali làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

FamilyThứ Ba, 03/01/2023 17:39:18 +07:00Google News
(VTC News) -

Thừa muối và thiếu kali được các chuyên gia đánh giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh nhiều nhất.

Theo Healthline, nền y học hiện đại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hay điều trị hoàn toàn tình trạng sa sút trí tuệ. Vì vậy, việc phát hiện sớm và kiểm soát các triệu chứng được xem là phương pháp hữu hiệu nhất trong quá trình phòng ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ.

Thừa muối, thiếu kali làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ - 1

Bệnh sa sút trí tuệ chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy lối sống đóng vai trò quan trọng đối với chức năng nhận thức, bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và thói quen ngủ. Một số nghiên cứu khác còn đi sâu hơn vào thói quen ăn kiêng và khám phá ra tác động của natri và kali đối với chức năng nhận thức.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có chế độ ăn uống với hàm lượng natri cao có nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ cao hơn so với thông thường. Ngược lại, các nghiên cứu chỉ ra các loại thực phẩm có chứa kali giúp cải thiện và tăng cường khả năng nhận thức ở người.

Vai trò của Kali và Natri đối với cơ thể

Natri và Kali đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể của mỗi người. Hai chất này có tác dụng giúp điều hoà cân bằng lượng chất điện giải và nước, giúp cơ thể duy trì các hoạt động bình thường.

Kali giúp cơ thể điều chỉnh cân bằng chất lỏng, hỗ trợ tăng cường sức khỏe hệ thần kinh, điều hoà nhịp co thắt của các cơ và tim mạch,... Các loại thực phẩm chứa kali có khả năng hỗ trợ giảm huyết áp, phòng chống nguy cơ đột quỵ và giúp ngăn ngừa loãng xương tốt.

Natri có vai trò tương tự trong cơ thể như kali, chẳng hạn như cân bằng nước và điều chỉnh huyết áp, điều tiết hoạt động của thận, duy trì huyết áp ổn định… Tuy nhiên việc bổ sung quá nhiều natri lại gây ra các hiệu ứng tiêu cực đối với sức khỏe.

Kali và Natri có nhiều ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của tim mạch, cơ bắp, hệ tiêu hoá và đường tiết niệu. Vì vậy, việc tiêu thụ quá ít kali hay quá nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và gây ra nguy cơ mắc các bệnh về tim.

Natri và Kali ảnh hưởng đến sức khỏe hệ thần kinh thế nào?

Natri rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên lượng natri mà mỗi người trưởng thành ngày nay nạp vào hầu như nhiều hơn so với lượng cần thiết là 2000mg natri (tương đương với 5g muối). Việc tiêu thụ quá nhiều natri có thể mau chóng khiến người dùng mắc các tình trạng sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer,...

Nguyên nhân là do hàm lượng muối natri dư thừa trong thực phẩm tích tụ lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn trong cơ thể, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Khi đó, các tế bào não sẽ không được cung cấp đầy đủ lượng oxi cần thiết để hoạt động sẽ dễ bị lão hoá khiến cho nhận thức bị chậm đi hoặc mau quên.

Thừa muối, thiếu kali làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ - 2

Hấp thụ nhiều natri sẽ gây cản trở quá trình lưu thông máu lên não - Hình minh hoạ

Bên cạnh đó, nồng độ natri cao cũng có thể gây ra sự thay đổi về mặt hoá học đối với loại protein được gọi là TAU. Sự biến đổi về mặt hoá học này khiến các protein TAU kết tụ lại với nhau và làm tăng nguy cơ gây ra chứng mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer

Trong khi đó, Kali được xem là một chất điện phân giúp tối ưu hoá các chức năng của não. Kali giữ cho não bộ và các dây thần kinh hoạt động tốt nhất, cho phép não bộ tiến hành các phân tích và suy nghĩ một cách rõ ràng. Nó cũng có tác dụng giúp các tế bào não giao tiếp và truyền mệnh lệnh đến các nhóm cơ bắp lớn trong cơ thể.

Mẹo để giảm lượng Natri nạp vào trong cơ thể

Chế độ ăn uống của người trẻ chứa nhiều natri do sử dụng quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh,...Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn hạn chế lượng natri nạp và trong cơ thể mỗi ngày.

Ăn nhiều rau xanh

Các loại rau củ quả, trái cây có lượng natri thấp tự nhiên, phù hợp với sức khỏe của cơ thể. Các loại trái cây đóng hộp hay đông lạnh cũng có lượng natri thấp, tuy nhiên nên tránh sử dụng các loại trái cây ủ muối hay chấm với muối.

Sử dụng thực phẩm hữu cơ

Các loại thực phẩm tươi sống, hữu cơ không có chất bảo quản và không được chế biến sẵn có chứa hàm lượng natri thấp, tốt cho sức khỏe. Các loại thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn thường được bổ sung lượng lớn natri nhằm tăng thêm phần hương vị cho thực phẩm giúp chúng bán chạy hơn, vì vậy đôi khi sử dụng quá nhiều thực phẩm đóng hộp có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ.

Ngoài 2 nguyên tắc trên, người tiêu dùng cũng nên lưu ý hạn chế sử dụng muối trong các bữa ăn hàng ngày, đa dạng hoá các loại gia vị khác nhau để thay thế cho muối và tự làm bữa ăn thường xuyên hơn.

Các loại thực phẩm giúp bổ sung Kali hiệu quả

Kali rất cần thiết cho sự phát triển của xương và sức khỏe tim mạch. Cơ thể người không thể tự sản sinh kali mà hấp thụ kali thông qua các loại thực phẩm được tiêu thụ. Dưới đây là danh sách một số các loại thực phẩm chứa hàm lượng kali tốt cho sức khỏe:

  • Chuối

  • Củ cải đường

  • Cam

  • Khoai tây

  • Rau mùi tây

  • Sữa chua

  • Cá hồi

Ngoài ra, Kali cũng có trong các loại nước uống thể thao, nước truyền điện giải hay nước dừa.

Để bảo vệ sức khỏe hệ thần kinh và ngăn ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ, mọi người nên giảm lượng natri được tiêu thị hằng ngày và tăng lượng cali trong khẩu phần ăn. Đặc biệt đối với người lớn tuổi, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng để cân đong các loại thực phẩm với hàm lượng natri và kali phù hợp.

Thanh Thiên
Bình luận
vtcnews.vn