(VTC News) – Không chen chân được vào thị trường Việt Nam, cà phê Trung Quốc dở trò "chơi xấu" từ xa.
Cà phê Việt làm chủ thị trường
Hiện tại, thị trường cà phê hòa tan Việt Nam đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Có nhiều doanh nghiệp chia nhau từng “miếng bánh” nhỏ nhưng “cuộc chiến” chủ yếu vẫn diễn ra giữa những tên tuổi lớn trong ngành như Nestlé, Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên.
Tại Trung Quốc, Nestlé làm chủ thị trường cà phê. Nhưng tại Việt Nam, dù góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất nhưng Nestlé vẫn đứng sau các doanh nghiệp Việt. Thị trường cà phê hòa tan đang cạnh tranh gay gắt
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết ở Việt Nam hiện tại có hơn 20 công ty sản xuất cà phê hòa tan. Bên cạnh những ông lớn kể trên, thị trường còn có sự góp mặt của một số thương hiệu cà phê rang xay như Thu Hà, Mê Trang, Phú Thái,… Hiện tại, thị phần của năm 2013 chưa được cập nhật.
Tuy nhiên, theo Cộng đồng khảo sát trực tuyến Vinaresearch (Công ty W&S), thương hiệu cà phê hòa tan đang được sử dụng nhiều nhất là Trung Nguyên chiếm 26,3% thị trường. Vinacafé Biên Hòa đứng thứ 2 với 22,8% và Nestle đứng thứ 3 với thị phần 21,7%.
Thị trường đang chứng kiến sự vươn lên của Trung Nguyên. Hiện tại, Trung Nguyên đang chiếm ưu thế nhưng trong năm 2011, Trung Nguyên chỉ đứng thứ ba với 18% thị phần. Vinacafé chiếm vị trí số một với khoảng 33%, Nestlé đứng thứ hai với 31%.
Năm 2013, cả Nestlé, Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên đều duy trì được vị trí trong Top 3 nhưng tổng thị phần của 3 doanh nghiệp này lại giảm sút mạnh từ 82% xuống còn khoảng 76% năm 2013. Sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường đã làm giảm sức mạnh của 3 “ông lớn”. Không chỉ các thương hiệu cà phê khác lớn mạnh lên mà các siêu thị như BigC, Metro, các khách sạn, nhà hàng lớn cũng nhảy vào thị trường béo bở này với sản phẩm cà phê hòa tan mang thương hiệu riêng.
Mới đây, Tập đoàn Dao Heuang Group (DHG) - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất của Lào - đã chính thức đặt dấu chân của mình tham gia thị trường cà phê Việt Nam.
Với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới, thương hiệu mới, cuộc chiến giành thị phần của các thương hiệu cà phê hòa tan tại Việt Nam ngành càng khốc liệt hơn. Để giữ từng % thị phần nhỏ nhoi, các doanh nghiệp liên tục đưa ra thị trường sản phẩm mới, đẩy mạnh quảng cáo, khuyến mãi trực tiếp đến người tiêu dùng.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các TVC quảng cáo cà phê của Nestlé, Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên cạnh tranh nhau bám sóng giờ vàng trên Đài truyền hình Việt Nam. Ngoài việc quảng cáo, Vinacafé Biên Hòa còn liên tục tăng mức chiết khấu và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng.
Ba "ông lớn" này giữ thế "kiềng ba chân" chặn mọi cửa vào của cà phê Trung Quốc.
Cà phê Trung Quốc "chơi xấu"
Cà phê Việt Nam là sản phẩm có tiếng trên thị trường thế giới nên dễ dàng làm chủ thị trường ngay trên sân nhà. Vì vậy, các ông lớn cũng không dễ cạnh tranh với cà phê Việt. Ngay cả Stabucks, McDonald's hay Coffee Bean - những thương hiệu ngoại "sành điệu" cũng chỉ chiếm giữ được thị phần rất nhỏ khi thâm nhập vào Việt Nam.
Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi cũng giống như bánh kẹo, bia hay nước giải khát Trung Quốc, cà phê Trung Quốc hoàn toàn không có chỗ đứng tại thị trường Việt dù Trung Quốc cũng muốn đưa cà phê ra khỏi biên giới.
Cà phê G7 bị làm giả ở Trung Quốc
Mặc dù là đất nước rộng lớn nhưng cà phê Trung Quốc lại chỉ tập trung ở tỉnh Vân Nam. Sản lượng tại đây chiếm tới 98% tổng sản lượng cả nước. Tỉnh Hải Nam đứng ở vị trí thứ 2. Cà phê Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu sang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, thị phần của cà phê Trung Quốc tại các nước này khá khiêm tốn.
Như đã nói ở trên, tại thị trường Việt Nam, trước sức mạnh của 2 ông lớn Việt Vinacafé Biên Hòa, Trung Nguyên và ông lớn ngoại Nestlé, cà phê Trung Quốc thua "lấm lưng, trắng bụng". Ngay cả ở phân khúc hàng trôi nổi, nơi nhiều hàng hóa Trung Quốc có ưu thế, cà phê Trung Quốc cũng trắng tay. Toàn thị trường, không ai nhắc tới cà phê đến từ đất nước đông dân nhất thế giới.
Không chỉ bị cà phê Việt lấn át tại thị trường Việt Nam, cà phê Trung Quốc còn chứng kiến sự "tấn công" ồ ạt của cà phê Việt ngay tại "sân nhà". Đứng trước sự lấn át của cà phê Việt, cà phê Trung Quốc giở trò "chơi xấu". Đầu tiên là "thói quen" làm hàng giả. Trung Nguyên là một trong những thương hiệu cà phê Việt bán khá chạy tại Trung Quốc nên thương hiệu này nằm trong tầm ngắm của hàng giả.
Những sản phẩm G7 bị làm giả của Trung Nguyên được bày bán công khai tại những chỗ đông người qua lại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp.
Đại diện Trung Nguyên cho biết: “Khi chúng tôi phát hiện ra thì lập tức nhờ đến cơ quan chức năng ở địa phương để phối hợp xử lý. Hiện nay Trung Nguyên chỉ tập trung phân phối ở hệ thống siêu thị Trung Quốc để bảo đảm không bị làm giả”.
Không chỉ "đội lốt" cà phê Việt, cà phê Trung Quốc còn "chơi xấu" hàng Việt bằng cách "nẫng tay trên" thương hiệu Việt. Giới kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.
Động thái này của doanh nghiệp Trung Quốc ảnh hưởng lớn cà phê Việt. Việc này sẽ làm xuất hiện nguy cơ cà phê Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam có thể suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là cà phê từ Buôn Ma Thuột thật và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột "rởm".
Hàng Việt vẫn thắng thế
Công ty Trung Nguyên lên tiếng nhưng hàng giả của Trung Quốc không vì thế mà bị dẹp bỏ. Chúng vẫn được bày bán, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữa Trung Nguyên và hàng giả Trung Quốc hóa ra lại không quá khó khăn vì chất lượng "hàng thật" luôn vượt trội so với "hàng giả" nên người tiêu dùng không dễ bị lừa gạt nữa.
Vì vậy, kết quả là lượng xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh theo năm. Nếu 2012, Việt Nam xuất khẩu 50.674 tấn, kim ngạch 130,3 triệu USD, tăng gần 150% so với năm 2011 thì tới 2013, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,3 triệu tấn, tương ứng 2,7 tỷ USD. Đây là con số tăng trưởng vượt bậc.
Trung Nguyên là một trong những công ty có tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc rất lớn. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cà phê Trung Nguyên cho biết: “Năm 2010 doanh thu sản phẩm cà phê hòa tan của chúng tôi tại Trung Quốc là 25 triệu USD, đến năm 2011 đã tăng lên 50 triệu USD. Với việc đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Bắc Giang, chúng tôi đã định hướng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2014 là lấy của mỗi người Trung 1 USD mỗi năm”.
Hiện tại, dân số của Trung Quốc là khoảng 1,3 tỷ người. Như vậy, mục tiêu của Trung Nguyên là thu về 1,3 tỷ USD từ Trung Quốc. Đây là bước tiến nhảy vọt vì năm 2011, doanh thu từ thị trường này mới chỉ là 50 triệu USD.
Dù mục tiêu lớn này có đạt được hay không thì trong những năm qua, với việc gia tăng thị phần xuất khẩu vào Trung Quốc, Trung Nguyên góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa 2 quốc gia, gia tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước này.
Để chuẩn bị cho việc “lấy” 1,3 tỷ USD từ Trung Quốc, Trung Nguyên đã rót vốn 2.200 tỷ đồng xây dựng nhà máy cà phê hiện đại tại Bắc Giang, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, rất thuận tiện cho hoạt động phân phối, xuất khẩu đến các nước lân cận và trong khu vực.
Trong khi đó, Vinacafé cũng là thương hiệu được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Cả Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên cùng tấn công sang thị trường rộng lớn này. Và đối thủ họ gặp phải vẫn là Nestlé, thương hiệu cà phê nắm giữ thị phần lớn nhất Trung Quốc, chứ không phải doanh nghiệp cà phê bản địa.
Bảo Linh
Bình luận