(VTC News) - Hai tuần ở Jakarta, đi qua nhiều con đường lớn nhỏ, ngõ ngách, vậy mà chưa một lần thấy cảnh thường thấy ở Việt Nam – Tai nạn giao thông. Buổi sớm tắc đường ở Jakarta. Trong ảnh có thể thấy, 100% xe máy đội mũ bảo hiểm trùm qua tai. Những quán ăn đêm của người Indo luôn không có rượu, bia (Ảnh: Hà Thành)
Hai tuần là quá ít nên “cơ may” gặp cảnh tang thương có thể chưa đến. Hai tuần không đủ vén hết bức màn tai nạn giao thông Jakarta, nhiều đồng nghiệp như bị “đánh lừa” khi cứ khăng khăng cho rằng, nơi này ít tai nạn giao thông.
Thực tế không phải thế!Jakarta về đêm (Ảnh: Hà Thành)
Jakarta Rimanews đưa tin, số lượng tai nạn giao thông ở thủ đô và khu vực xunh quanh vẫn ở báo động đỏ. Theo số liệu của Tổng cục cảnh sát giao thông Metro Jaya (PMJ), trong vòng 6 tháng đầu năm 2011 tại Jakarta, số hành vi vi phạm luật giao thông của phương tiện xe máy là 363.056 trường hợp trong tổng số 3.133 vụ tai nạn giao thông (số liệu của chính quyền sở tại là 3.288 vụ); vi phạm giao thông công cộng là 88.214 trường hợp trong tổng số 427 vụ tai nạn.
Số liệu trên chứng minh, tai nạn giao thông ở Jakarta lớn hơn bất cứ thành phố nào ở Việt Nam. Lấy TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm làm “đối trọng” thì thấy, số vụ tai nạn giao thông của thành phố đông dân nhất dải đất hình chữ S chưa bằng 1/6 Jakarta, con số cụ thể là 520 vụ.
Vậy, điều đáng để cánh phóng viên đang tác nghiệp tại SEA Games 26 gật gù trước nỗ lực của Jakarta nằm ở đâu? Xin thưa, nằm ở một con số khác.
Trong tổng số 3.133 vụ tai nạn tại Jakarta 6 tháng đầu năm 2011, số người tử vong chỉ là 487 người còn ở TP Hồ Chí Minh với 520 đã có 443 người thiệt mạng. Có nghĩa là ở ta, gần như cứ tai nạn là tử vong, ngược lại ở xứ bạn, phần lớn chỉ dừng lai ở mức bị thương.
Lý giải về sự khác biệt này có nhiều nguyên nhân. Kể một vài thứ nhỏ nhặt dưới đây làm ví dụ.
Giao thông Jakarta luôn tắc nghẽn, không có nhiều khoảng chỗ trống để “húc” nhau… mạnh.
Người Jakarta ra đường với xe máy là mặc áo phao, áo gió, áo bảo vệ và luôn đội mũ bảo hiểm – loại mũ trùm qua tai, không chơi trò mũ thời trang như ở ta.
Hầu hết các tài xế taxi luôn nhắc nhở khách lên xe, cài dây bảo hiểm trước khi cài số, nhấn ga.
Xe bus Jakarta mọi tuyến có đường riêng, xe khác không được lấn vào. Cửa lên xe bus cao tới ngực người, muốn lên phải vào nhà chờ chuyên biệt, không có cảnh leo lên leo xuống như ở ta mà xảy chân rớt xuống.Đường dẫn tới trạm lên xe bus ở Jakarta (Ảnh: Hà Thành) Và cảnh lên xe bus rất an toàn (Ảnh: Hà Thành)
Và đặc biệt, Jakarta tìm mỏi mắt, không thấy bóng dáng những quán nhậu kiểu Hải xồm, Cường hói, Hiếu béo… ing ỏi lúc trưa, lúc chiều những tiếng zô, mặc cái khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Người Indonesia không có thói quen uống rượu, bia vì đạo Hồi nghiêm cấm.
Đến đây dừng lại để nhấn mạnh vào những tiếng “zô”
Ở Indonesia, rượu chỉ là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe đứng thứ 3 sau thuốc lá và cao huyết áp. Còn tại Việt Nam rượu là nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe người dân.
Tình hình sản xuất rượu bia ở Việt Nam ngày càng tăng, ước tính 15%/năm. Sản lượng bia hiện nay chiếm khoảng 2,5 tỷ lít và có thể tăng lên 4 tỷ lít vào năm 2015
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) cách đây không lâu có tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội mang tên “Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia” đã đưa ra một báo cáo nghiên cứu cho rằng: 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu, ngộ độc rượu (chiếm gần 22% các loại ngộ độc); 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ uống rượu và 40% các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia.
Dẫn ra đây để thấy sợ trước tửu lượng và cái thói coi thường an toàn tính mạng của người xứ ta. Đến Indonesia, im bặt những tiếng "zô", thèm câu giá như ở nước ta cũng thế.
Hà Thành(Từ Jakarta)
Bình luận