• Zalo

Thú vị chuyện được làm “vua” giữa đại ngàn Xuân Sơn

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 08/01/2012 06:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - Không chỉ ông Lâm, mà 70 gia đình ở bản Cỏi cũng đều nuôi giống gà 9 cựa.

(VTC News) - Không chỉ ông Lâm, mà 70 gia đình ở bản Cỏi cũng đều nuôi giống gà 9 cựa. Dù giờ đây, trong nhà họ có đàn lớn đàn bé gà thường, nhưng những chú gà 9 cựa thì không thể thiếu.


Như đã nói ở kỳ trước, mặc dù là “vua” gà 9 cựa, sở hữu đàn gà tới 300 con, song vợ chồng cựu trưởng bản Lý Phúc Lâm vẫn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, chẳng thấy có thứ gì giá trị. Gia đình ông cũng nghèo như bất kỳ gia đình nào trong bản Cỏi.

Ông Lâm bảo, gà đủ 9 cựa thì đắt, chứ gà 6 cựa thì cũng chỉ đắt gấp đôi, gấp ba gà đồi, gà núi mà thôi. Gia đình nào sở hữu vài chú gà trống 8 cựa cũng là quý hiếm lắm rồi. Nếu không bí tiền, đồng bào sẽ không bán những chú gà 8 cựa, mà giữ lại để nhân giống. Gà 8 cựa có thể sẽ đẻ ra gà con 8 cựa, 9 cựa, cũng có thể là 6 cựa. Chỉ có những chú gà trống mới có 8 cựa trở lên, còn gà mái thì nhiều nhất chỉ là 6 cựa.

Một chú gà nhiều cựa có màu sắc rất đẹp. 

Nuôi những chú gà 8 cựa, 9 cựa chả khác nào đánh bạc. Nếu cứ đem bán cho các đại gia làm thịt thì tuyệt giống, mà để nhân giống, con cái lại không có nhiều cựa như bố mẹ thì coi như thất bại, còn gặp dịch, chết toi, thì coi như mất trắng.

Giống gà 9 cựa ở bản Cỏi nuôi cực kỳ khó. Một con gà mái mỗi năm đẻ 4 lứa trứng, mỗi lứa được 10 đến 15 quả và ấp được trên dưới chục gà con. Thế nhưng, chỉ có vài ba con sống được đến lúc trưởng thành. Giống gà 9 cựa lại lớn rất chậm. Nuôi được một con gà đến lúc mổ thịt mất cả năm.

Đã từng có những đợt dịch càn quét, hàng ngàn chú gà 9 cựa chết lăn lóc đầy suối. Dân bản Cỏi xót gà, mang những con gà còn lại vào tận rừng sâu, chờ dịch bệnh trôi qua, mới đưa gà về.

Ngay từ chiều, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã đi khắp bản Cỏi dặn dò người dân bắt gà 9 cựa để bán cho anh. 

Nuôi giống gà 9 cựa khó khăn như vậy, nên dù giá bán cao gấp đôi, gấp ba gà thường, ông “vua” gà 9 cựa Lý Phúc Lâm ở bản Cỏi vẫn nghèo như ai. Ông bảo, ông nuôi giống gà này không hẳn là để làm kinh tế, mà để giữ gìn giống gà quý hiếm, đặc biệt, chỉ có ở bản Cỏi này thôi.

Không chỉ ông Lâm, mà 70 gia đình ở bản Cỏi cũng đều nuôi giống gà 9 cựa. Dù giờ đây, trong nhà họ có đàn lớn đàn bé gà thường, nhưng những chú gà 9 cựa thì không thể thiếu.

Ông Lâm, rồi cả tổ tiên ông nữa, cũng không biết gì câu chuyện gà 9 cựa trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Họ chỉ biết rằng, hàng trăm năm trước, tổ tiên người Dao về đây sinh sống, đã thấy giống gà này có sẵn ở trong rừng. Họ săn gà giết thịt ăn, rồi nuôi dưỡng, thuần hóa chúng.

Chọn gà. 
Nhốt vào tải. 

Điều đặc biệt là giống gà này không có ở bất kỳ bản nào, xã nào xung quanh Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Bản thân tôi cũng đã đến các bản người Dao, người Mường ở xã khác, sống bìa rừng Xuân Sơn, thậm chí trong vùng đệm, nhưng tuyệt nhiên không thấy có giống gà lạ này. Giống gà này chỉ xuất hiện duy nhất ở bản Cỏi, là thung lũng nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Cũng theo ông Lâm, điều lạ lùng hơn nữa, là người dân bản khác cũng không thể nuôi được giống gà này. Chúng cứ ặt ẹo rồi chết dần chết mòn. Người dưới xuôi đem về nhân giống cũng thất bại.

Chính vì những đặc tính lạ lùng như thế nên người Dao bản Cỏi tôn sùng loài gà này và coi chúng là con của thần rừng, thần núi. Dù nuôi giống gà khác dễ hơn, cho thịt nhanh hơn, dễ làm giàu hơn, song người Dao bản Cỏi vẫn nâng niu trân trọng giống gà này. Ngày lễ, ngày tết, ngày có việc trang trọng, những chú gà 9 cựa sẽ là lễ vật không thể thiếu dâng lên thần rừng, thần núi, thần suối, tổ tiên.

Làm thịt gà 9 cựa. 

Nói là gà 9 cựa, chứ thực tế, giờ bản cỏi không còn bất cứ một chú gà nào có đủ 9 cựa nữa, chỉ còn một số ít gà 8 cựa. Người dân bản Cỏi chỉ còn biết trông chờ vào sự đột biến nào đó mà thôi.

Mấy năm trước, anh bạn đồng nghiệp Đinh Vũ ở Báo Phú Thọ tiết lộ rằng, trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn vẫn còn mấy con gà đầy đủ 9 cựa. Tuy nhiên, những chú gà này được các kiểm lâm viên nuôi và nhân giống bí mật ở trong rừng. Ngoài kiểm lâm thì không ai được biết. Những ngày ở bản Cỏi, tôi lần hỏi thông tin, song người dân cũng lắc đầu không biết gì về thông tin kiểm lâm nuôi gà 9 cựa ở nơi bí mật.

Mây mù bao phủ tứ phương, mặt trời lặn nhanh sau dãy núi, đêm tối bịt bùng bao phủ khắp nơi, tiếng gà 9 cựa gáy vang cả bản. Cứ nhập nhoạng tối, chúng lại tìm về chuồng.

Thịt gà 9 cựa rất ngon. 

Suốt buổi chiều, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã nhớn nhác chạy khắp bản dặn dò người dân mang gà 9 cựa đến nhà anh Lý Văn Đức để nhóm chúng tôi chọn mua gà. Gà về chuồng, các chàng trai, cô gái, các anh, các chị từ khắp triền núi bế gà đến nhà anh Đức vui như hội. Tiếng cục tác vang lên khắp nơi, râm ran cả rừng già.

Đám người có thú được làm “vua” chúng tôi thi nhau chọn gà. Anh nào ít tiền thì mua 2-3 con, nhiều tiền thì mua cả chục gà, nhét đầy lồng lớn lồng bé, bao lớn bao bé. Gà 9 cựa được cho vào tải, nhưng đục lỗ để chúng thò đầu ra thở, gáy te te. Họa sĩ Lê Đình Nguyên vớ được chú gà 8 cựa cứ cười tít cả mắt, dù số tiền bỏ ra mua con gà bằng lương mấy tháng của một công chức.

Họa sĩ Nguyên Trâu sung sướng với món trang sức mới. 

Sớm hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã lôi mấy chú gà 6 cựa ra vặn cổ cắt tiết. Nhưng ăn gà 6 cựa thì chưa khoái lắm, nên đám người thích làm “vua” chúng tôi biểu quyết làm thịt một tên 8 cựa. Lại còn thịt thêm một tên gà đồi bình thường nuôi ở bản Cỏi, để các “thượng đế” có thể so sánh độ ngon của gà dân dã và gà dành cho… Vua Hùng!

Ngồi giữa đại ngàn Xuân Sơn, trong ngôi nhà sàn dưới thung lũng, ngắm mây quấn trên những đỉnh núi, chén lễ vật dâng vua Hùng thì chả còn thú nào bằng. Mà công nhận thứ thịt gà dâng vua này quá là ngon, thịt vừa dai vừa ngọt vừa thơm, chả có thứ gà nào ngon bằng.

4 chú gà 9 cựa được họa sĩ Lê Đình Nguyên đem về Hà Nội nuôi. 

Họa sĩ Lê Đình Nguyên nhanh tay cất hết những chiếc chân gà, không cho ông nào được thưởng thức. Anh buộc đôi chân gà có 8 cựa lủng lẳng ở cổ thay cho chiếc nanh hổ mà anh vẫn đeo hàng ngày.

Giờ đây, giữa phố phường Hà Nội, ai bắt gặp một gã đeo kính đen to tướng, mặc áo quần nhiều túi, mũ vải đội ngược, đeo đôi chân gà lủng lẳng ở cổ, phóng xe máy phân khối lớn nổ đùng đoàng, thì đích thị là Nguyên Trâu.

Từ giờ đến Tết âm lịch, đám họa sĩ hà thành còn ối dịp í ới nhau chén gà 9 cựa để thành… vua! Họa sĩ Nguyên Trâu thì nhất quyết không cắt tiết gà nữa. Anh và ông hàng xóm tên Tiến đã sắm chuồng và thả đàn gà 9 cựa vào nuôi. 3 giờ sáng, dân cư làng Yên Phụ đã bị đánh thức bởi giàn âm thanh gà gáy vang, trầm.
Gà 9 cựa có sức khỏe phi thường, lông mượt, mào đỏ như máu. Gà trống bước đi thong thả, cực kỳ oai phong. Tiếng gáy của gà trống 9 cựa đủ sức đánh thức cả bản. Những chú gà trống 9 cựa là những kẻ bất khả chiến bại, một mình chấp vài chú gà chọi dưới xuôi. Mỗi khi vào xới, nhìn dáng vẻ oai dũng của gà 9 cựa, những chú gà thường chưa đánh đã tháo chạy. Gà 9 cựa còn vô cùng dũng mãnh trong khoản kia. Theo ông Lâm, chỉ cần một chú gà 9 cựa, thì 10 cô gà mái không phải… kén chồng. 

Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn