• Zalo

Thủ tướng: Văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển

Chính trịThứ Hai, 28/08/2023 19:57:11 +07:00Google News

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển.

Chiều 28/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hoá toàn quốc năm 2023 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945), 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; 78 gương điển hình tiên tiến (5 tập thể, 73 cá nhân) trong lĩnh vực văn hoá.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội nghị. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa là bản sắc dân tộc, văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển. Văn hóa có bản sắc dân tộc sâu sắc. Văn hóa phát triển dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và thực tiễn. Văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân.

Văn hóa Việt Nam được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thực tiễn cuộc sống, phong tục, tập quán đặc sắc, phong phú và đa dạng của 54 dân tộc anh em, hòa quyện thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; tạo nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Đảng và Nhà nước ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác.

Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những kết quả của đất nước.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đọc thư chúc mừng Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đọc thư chúc mừng Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng toàn diện, bao trùm và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình, trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì) và các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam.

Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 2021 đến nay, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Quốc hội đã thông qua 3 luật; Chính phủ đã ban hành 9 nghị định; Thủ tướng đã ban hành 10 quyết định, 2 chỉ thị.

Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội, phát huy vai trò trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách con người Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. Các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Gần đây nhất, nghệ thuật xòe Thái và nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh, nâng tổng số di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 32. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới.

Văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái thiện, cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người trong xã hội.

Thể thao tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao tinh thần, thể lực của dân tộc, của mỗi người dân; thể thao thành tích cao thiết lập nhiều dấu ấn lịch sử. Du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 và phát triển gắn với văn hóa, bản sắc, con người Việt Nam.

Nhiều tấm gương sáng xuất hiện trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đô thị văn minh, sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Nhiều giá trị văn hóa được gìn giữ, phát triển gắn với du lịch, dịch vụ, tạo giá trị khác biệt, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Điều đó đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Theo Thủ tướng, những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng lòng, hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc; nhiệt liệt chúc mừng 78 điển hình tiên tiến và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành văn hóa thời gian qua.

78 gương điển hình tiên tiến đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc, gồm những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp; những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; những người hoạt động trong những lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, có những đóng góp lớn cho cộng đồng, xã hội, là tấm gương về sự nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, vươn lên để cống hiến, tỏa sáng…

Thủ tướng nhấn mạnh, những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng và xã hội.

Thủ tướng trao khen thưởng cho đại diện 5 tập thể và 21 cá nhân điển hình tiên tiến. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng trao khen thưởng cho đại diện 5 tập thể và 21 cá nhân điển hình tiên tiến. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam

Theo Thủ tướng, giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ.

'Chúng ta vui mừng, ghi nhận biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta còn nhiều trăn trở, băn khoăn trước những hành vi 'phản văn hóa', đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, với giá trị Chân - Thiện - Mỹ đang tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ', Thủ tướng chia sẻ.

Đề cương Văn hóa Việt Nam đã đặt nền tảng tư tưởng - lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đại chúng, khoa học, cách mạng và hội nhập quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế".

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11 năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi".

Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau.

Thứ nhất, quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; phải xây dựng những chương trình, kế hoạch, đề án với nhiệm vụ cụ thể, lộ trình rõ ràng, đúng người, đúng việc, đúng phương hướng của Đảng.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trên tinh thần tích cực, chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh, tình hình và điều kiện thực tế Việt Nam. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh với trọng tâm là bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc.

(Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

(Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao, phản ánh đầy đủ, sinh động, hấp dẫn những nét đẹp truyền thống của dân tộc và thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước. Bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả những di sản văn hóa của dân tộc, gắn kết và làm động lực phát triển kinh tế, thể thao, du lịch.

Thứ sáu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa thể thao quần chúng để vừa nâng cao sức khỏe toàn dân vừa làm tiền đề phát triển thể thao thành tích cao; tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm những tài năng thể thao; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong các lĩnh vực, trong đó có thể thao thành tích cao.

Thứ bảy, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, tạo giá trị khác biệt, giá cả cạnh tranh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt nam.

Thứ tám, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích, các gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thứ chín, Bác Hồ kính yêu từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", các cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch cần tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao chuyên môn, hăng hái thi đua, trở thành tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng, có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng đối với cộng đồng, xã hội.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng những gương điển hình tiên tiến sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục là nguồn cảm hứng, là động lực, lan tỏa mạnh mẽ những câu chuyện người thực, việc thực, người tốt, việc tốt, để sau hội nghị này, chúng ta sẽ có thêm ngày càng nhiều tấm gương tốt, nhiều cách làm hay, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ của ngành văn hóa nói riêng, vì sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, điểm tô thêm nét đẹp của văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam, một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no. 

(Nguồn: Báo Chính phủ)
Bình luận
vtcnews.vn