• Zalo

Thủ tướng: Đường sắt tốc độ cao 'không làm không được', phải quyết tâm làm

Tin nóngThứ Ba, 09/01/2024 19:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải quyết tâm làm bằng được đường sắt tốc độ cao để đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông.

"Việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn".

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, diễn ra chiều 9/1.

Đề cập đến chủ trương xây dựng, phát triển đường sắt tốc độ cao, người đứng đầu Chính phủ cho biết Kết luận 49 của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Thủ tướng nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng Công ty Đường sắt và các cơ quan liên quan quyết tâm trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao.

Để huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân. Do đó, phải huy động hợp tác công - tư, tham khảo kinh nghiệm các nước, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực 22.000 người, gần 300 nhà ga, nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới…, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với lĩnh vực đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu việc quy định chính sách về quản lý đất đai đường sắt trong quá trình hoàn thiện pháp luật về đất đai.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...) giúp phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao nói riêng.

Thủ tướng kiểm tra cơ sở vật chất của tàu khách chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng kiểm tra cơ sở vật chất của tàu khách chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 

Chia sẻ tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, ông có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông. 

Bày tỏ ấn tượng với phong trào, khẩu hiệu "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến", Thủ tướng nhắc chuyện ông đã tới Ga Hà Nội để "xem có gì mới". Ông đã trực tiếp trao đổi với công nhân, hành khách đường sắt và được cho biết những đổi mới của ngành như các tòa tàu mới đẹp hơn, ga khang trang, sạch đẹp hơn, mua vé nhanh hơn, thuận tiện hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn…

"Hành khách nói với tôi là đi tàu giờ sướng lắm. Người lao động nói lương và thu nhập cũng đủ", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và "3 năm nay đã khác hẳn". Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…

"Cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi.

Chúng ta không say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, lơ là, chủ quan với tình hình, nhưng từ khí thế này, chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2023", Thủ tướng nói.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn