• Zalo

Thủ tướng: 'Coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt'

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 10/02/2022 19:37:33 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất.

Phát biểu tại buổi lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, chúng ta phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.

Thủ tướng: 'Coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt' - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Theo Thủ tướng, hiện hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Nhiều trẻ em chưa được an toàn ngoài xã hội, trong nhà trường và ngay trong gia đình. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… làm giảm sự quan tâm của trẻ em, học sinh đối với hoạt động thể chất và sinh hoạt hợp lý.

Cơ sở vật chất tại các trường học còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn thiếu trường học. Thậm chí các điểm trường quy hoạch chưa hợp lý, chưa đủ điều kiện tổ chức học bán trú, ảnh hưởng đến sức khỏe cho các cháu khi đi học. Hằng năm, hàng nghìn trẻ em bị đuối nước. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu học sinh.

Để triển khai hiệu quả Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Trong đó lưu ý quán triệt tinh thần chung là: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục và ngành y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn.

Thời gian tới, cần thêm những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để chúng ta có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp cho các cháu - thế hệ tương lai của đất nước.

Tiếp tục cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai chương trình. Từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân.

Thủ tướng: 'Coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt' - 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022-2026

“Chính phủ hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đồng hành cùng chương trình sức khoẻ học đường cũng như các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nói chung. Tôi được biết trong thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trong đó một số tổ chức quốc tế đã tham gia tích cực vào hoạt động này. Hôm nay, các đồng chí và các quý vị có mặt đông đủ ở đây đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ quan tâm đến việc triển khai Chương trình sức khỏe học đường. Đây là việc làm có ý nghĩa xã hội thiết thực và nhân văn cao cả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam có hơn 22 triệu trẻ em, học sinh (tương đương 25% dân số Việt Nam) được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh. Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn