Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), đổ bộ vào đất liền tại khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa vào sáng 4/11, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây gió giật mạnh nhất cấp 12-13; kèm theo mưa lớn từ 400-600 mm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 300-500 mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200-300 mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Cơn bão gây thiệt hại nặng nề, tính đến thời điểm hiện tại đã có 46 người chết, 15 người bị thương; hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Tại vùng biển Bình Định, xảy ra sự cố tàu vận tải nghiêm trọng với 10 tàu (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). Hiện đã cứu vớt được 88 người, 8 người chết và 5 người mất tích.
Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng. Khoảng 5.300 ha lúa, 14.850 ha rau màu bị ngập, thiệt hại.
Hệ thống lưới điện cũng bị hư hại, trong đó, tại Phú Yên, toàn bộ trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng (đến nay đã được khôi phục và cấp điện). Khánh Hòa có 3/11 trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng (đến nay chưa khôi phục được do đường dây 110 KV có 13 cột bị gãy đổ và 10 cột bị nghiêng). Hơn 8.500 người đã được sơ tán khỏi vùng có nguy cơ cao, nhà không bảo đảm an toàn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiêm 2 công điện mà Thủ tướng đã ban hành về ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 12; tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu đối với các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ khắc phục các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông; khẩn trương tổ chức ổn định các mặt về đời sống, sản xuất nhất là dọn vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.
Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án bảo đảm an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Các địa phương tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ, kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng ngập lụt và hạ du các hồ chứa khi có cảnh báo xả lũ, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề của cơn bão số 12.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình bão lũ ở miền Trung thiệt hại rất nghiêm trọng. Ban chỉ đạo Trung ương đã có chế độ thông tin kịp thời.
Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, tình hình bão lũ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, cuộc họp hôm nay tiếp tục bàn biện pháp xử lý trực tiếp các vấn đề tiếp theo trước tình hình mưa lũ từ Thừa Thiên - Huế đến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 12 là cơn bão rất nguy hiểm, cấp độ thiên tai cấp 4 đã gây thiệt hại nặng nề.
"Có hai cơn bão có cấp độ thiên tai cấp 4 là bão số 10 và số 12, nhưng bão số 12 có mức độ nguy hiểm, khốc liệt hơn bão số 10. Nguy hiểm ở chỗ bão đổ bộ vào trong bối cảnh hồ, sông đầy nước và gây ra một lượng mưa đặc biệt lớn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo.
Video: Bão số 12 tàn phá Khánh Hòa
Bình luận