Theo ông Sergei Ryabkov, Matxcơva nhận được nhiều danh sách câu hỏi từ Mỹ với cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). “Mục tiêu những câu hỏi của Mỹ đào sâu vào trách nhiệm của Nga trong hiệp ước, chúng tôi cho đó là nỗ lực ‘rà soát’ việc phát triển tên lửa mới nhất của chúng tôi” – ông Ryabkov nói trong một cuộc họp ngắn ở Matxcơva.
Người Mỹ thậm chí ép Nga tiết lộ ngày tháng một số thử nghiệm tên lửa nhất định diễn ra, nhà ngoại giao nói. Lối tiếp cận này nhằm khiến Nga thú nhận sự vi phạm mà mình không phạm phải, nên Matxcơva không còn lựa chọn nào khác ngoài từ chối, ông cho biết.
Trong khi đó, Mỹ không đưa ra bằng chứng xác thực nào về việc Nga vi phạm INF, ông Ryabkov nói. Theo ông, Nga không có vũ khí nào vi phạm hiệp ước.
"Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nghe những cáo buộc rằng tổ hợp tên lửa 9M729 có tầm bắn vượt quá quy định trong INF. Nếu phía Mỹ quả quyết rằng Nga đã vi phạm hiệp ước, họ phải phát hiện được các dấu hiệu bằng vệ tinh và chia sẻ dữ liệu với Matxcơva, nhằm giúp chúng tôi hiểu Washington đang nói về điều gì", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 28/10 cũng từng nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov khẳng định dù Mỹ đi quá giới hạn nhưng Nga vẫn “thể hiện sự minh bạch trên tinh thần thiện chí”.
Cuối tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Washington sẽ đơn phương rút khỏi INF vì Nga không tuân thủ hiệp định, dù trong hình thức hay tinh thần. Thông báo tuy nhiên không kéo theo một động thái cụ thể nào. Lãnh đạo Mỹ cũng cho biết nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh kho vũ khí hạt nhân cho đến khi Nga và Trung Quốc “tỉnh táo lại”.
Ông Ryabkov cảnh báo "với chuỗi hành động chính quyền Mỹ thực hiện, Nga không thể loại trừ khả năng cả một hệ thống kiểm soát vũ khí sẽ sụp đổ, một hệ thống đã mất hàng thập niên để xây dựng.”
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh quan điểm hạt nhân của Nga sẽ không thay đổi và về bản chất chỉ là phòng thủ. Chỉ có hai kịch bản lý thuyết mà Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân – ông nói. “Thứ nhất là có người sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống Nga. Thứ hai là có hành vi khiêu khích chống Nga sử dụng vũ khí thường với một quy mô mà sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa.”
Tình hình xung quanh hiệp ước INF sẽ được lãnh đạo Nga – Mỹ thảo luận bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.
INF được Liên Xô và Mỹ ký kết tháng 12/1987 và có hiệu lực vào tháng 6/1988, là một thoả thuận nổi bật nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giúp ổn định an ninh và giảm thiểu nguy cơ vũ khí hạt nhân ở châu Âu suốt 3 thập niên qua. Các điều khoản trong Hiệp ước cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Bình luận