Ngày 11/7 vừa qua, Cục phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc và quân đội Mỹ đã đánh chặn thành công mục tiêu tên lửa tầm trung (IRBM) giả định bằng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Vụ đánh chặn diễn ra ngay sau khi Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa tầm trung.
Giám đốc Cục phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc, Trung tướng Sam Greaves phát biểu sau buổi thử nghiệm: "Buổi thử nghiệm này chứng minh thêm khả năng của THAAD và khả năng đánh chặn cũng như tiêu diệt các mối nguy hiểm từ tên lửa. THAAD sẽ tiếp tục bảo vệ công dân, lực lượng quân đội được triển khai và đồng minh của chúng ta khỏi những mối nguy hiểm có thật và đang gia tăng".
Trong buổi thử nghiệm, máy bay vận tải Boeing C-17 của Không quân Mỹ phóng một tên lửa đạn đạo từ vùng biển phía bắc Hawaii.
Lữ đoàn Pháo phòng không số 11 triển khai khẩu đội THAAD tại Kodiak, Alaska phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu. Theo Cục phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc, buổi thử nghiệm thành công khi hệ thống THAAD đánh chặn 14 trên 14 mục tiêu giả định.
Đại diện Cục phòng thủ tên lửa tuyên bố: "Nhiệm vụ của buổi thử nghiệm đã hoàn thành và mối đe dọa giả định, mục tiêu tên lửa tầm trung đã bị đánh chặn thành công bởi hệ thống vũ khí THAAD".
Còn về phía Lockheed Martin, hãng chế tạo THAAD, đại diện hãng này bày tỏ sự hân hoan. “Hệ thống THAAD của chúng tôi thể hiện hoàn hảo trong bài kiểm tra và chúng tôi tự hào khi hỗ trợ Cục phòng thủ tên lửa và Quân đội Mỹ”, phó Giám đốc phụ trách Hệ thống phòng thủ đường không và tên lửa tích hợp của Lockheed Martin, Richard McDaniel tuyên bố.
Theo Cục phòng thủ tên lửa, buổi thử nghiệm THAAD này mô phỏng kịch bản hành động thực tế. Trong tuyên bố của Cục phòng thủ tên lửa có đoạn: “Những người lính vận hành hệ thống phóng, điều khiển hỏa lực và radar tương tự với thiết bị họ sử dụng trong chiến đấu thực tế. Họ cũng không biết thời gian phóng của mục tiêu".
Video: Hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot
Hệ thống THAAD được thiết kể với khả năng cơ động và phòng không, cùng với hệ thống tên lửa tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ cho đến nay là những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiệu quả thực sự của quân đội Mỹ.
Trên thực tế, kể cả những người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí và thường phản đối ý tưởng tên lửa phòng thủ cũng phải đồng ý những hệ thống tên lửa phòng thủ này hoạt động hiệu quả và cho rằng cần phải tập trung nguồn lực cho những hệ thống này thay vì những hệ thống như Hệ thống tên lửa đánh chặn mặt đất (GMD).
Thành công của buổi thử nghiệm này giúp cho Cục phòng thủ tên lửa và Lầu Năm Góc đạt được nhiều mục đích. Trước hết, nó giúp chứng minh tính hiệu quả của hệ thống THAAD vốn đang gây ra nhiều tranh cãi khi được triển khai tại Hàn Quốc. Hiện tại, Mỹ đã triển khai 6 hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.
Việc Seoul cho phép Washington triển khai THAAD vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh khi cho rằng hệ thống radar của THAAD có thể vươn đến nội địa Trung Quốc.
Theo National Interest, thử nghiệm này còn mang tính chất cảnh báo Triều Tiên khi mục tiêu được lựa chọn là tên lửa tầm trung.
Ngày 4/7 vừa qua, Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công tên lửa Hwasong-14. Mặc dù Triều Tiên gọi Hwasong-14 là tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng các bằng chứng do Bộ quốc phòng Nga cung cấp chỉ ra rằng Hwasong-14 chỉ là tên lửa tầm trung.
Do đó, thành công của buổi thử nghiệm hôm 11/7 vừa rồi giúp Lầu Năm Góc đạt được nhiều mục đích, vừa cảnh báo Triều Tiên lại vừa thể hiện được khả năng của THAAD và chứng minh rằng việc triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc là hoàn toàn hợp lý.
Bình luận