Theo báo cáo thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước mới công bố của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý tài khóa cho biết tổng thu ngân sách tháng 7 ước đạt 126.700 tỷ đồng, tăng 12% so với tháng trước.
Trong đó, thu nội địa đóng góp 101.300 tỷ đồng; thu từ dầu thô mang về 3.100 tỷ và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 22.300 tỷ đồng trong tháng 7.
Tính chung 7 tháng từ đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 912.100 tỷ đồng, tương đương 67,9% dự toán và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức thu ngân sách 7 tháng đầu năm cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, với tỷ lệ thu trên dự toán ngân sách từ đầu năm đến nay đạt 67,9%, đây cũng là mức hoàn thành dự toán cao kỷ lục.
Về cơ cấu thu, số thu nội địa đóng góp 744.000 tỷ đồng trong 7 tháng, tương đương 81,6% tổng thu từ đầu năm. So với cùng kỳ năm 2020, số thu từ nguồn này cũng đã tăng 12,9% và hoàn thành 65,6% dự toán.
Hoạt động thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu 7 tháng qua đạt 145.400 tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán và tăng 37,5%. Trong đó, tổng số thu thuế ước đạt 229.400 tỷ đồng và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 84.000 tỷ.Với nguồn dầu thô, thu lũy kế 7 tháng đầu năm nay đạt 22.000 tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán nhưng giảm 5% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách 7 tháng qua vào khoảng 810.600 tỷ đồng, tương đương 48% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 169.300 tỷ; chi trả nợ lãi đạt 65.200 tỷ và chi thường xuyên là 572.200 tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán.
Từ đầu năm đến nay, ngân sách Trung ương đã chi 4.200 tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine COVID-19, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, ngân sách các địa phương cũng chi gần 2.400 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.
Như vậy, tổng thể cân đối của ngân sách 7 tháng đầu năm nay có thặng dư 101.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến ngày 26/7, đã có khoảng 163.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ được phát hành với kỳ hạn bình quân 12,34 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.
Liên quan tới các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng với một số lĩnh vực, dịch vụ.
Cùng với đó, Bộ này đề nghị miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018-2020, không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Ước tính, tổng số tiền miễn giảm theo các phương án nêu trên khoảng 20.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá ban đầu, dự thảo Nghị quyết này được thông qua sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí...
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành quyết định bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2021của Bộ Y tế với số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất thuốc phục vụ phòng, chống COVID-19.
Bình luận