Theo thống kê từ Tổng cục thuế, tháng Hai trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 và đợt bùng phát dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch giảm so với tháng trước.
Thêm vào đó, do kỳ nghỉ Tết nguyên đán và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại, đồng thời chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9% so với kế hoạch năm. Cùng với đó, trong 2 tháng đầu năm có tới 19.741 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng đến 60,5% so với cùng kỳ đã ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách.
Tính đến hết 2 tháng đầu năm, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 246.449 tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 4.897 tỷ đồng, bằng 21,1% so với dự toán, bằng 46,7% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 241.553 tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu chi của ngân hàng nhà nước ước đạt 200.392 tỷ đồng, bằng 22,7% so với dự toán.
So với dự toán có 8/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 20%), trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 20,4%; DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 25,4%; Khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh ước đạt 26,5%; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 25%; Thu từ xổ số ước đạt 28,4%; Tiền sử dụng đất đạt 21,7%. Có 7/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng. Số thu ngân sách trung ương lũy kế 02 tháng đầu năm năm 2021 ước đạt 109.000 tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 137.449 tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán, bằng 103,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù số thu ngân sách chưa có tăng trưởng song cần phải khẳng định rằng để có được kết quả trên là nỗ lực cố gắng rất lớn của cơ quan thuế trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp thu, tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để xác định chính xác, số DN tạm nghỉ kinh doanh, số DN báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng, đồng thời đẩy mạnh công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.
Cụ thể, trong tháng 2/2021, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 3.412 cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN; kiểm tra được 16.500 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, qua đó đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.383,89 tỷ đồng, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 779,56 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 123,92 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.480,41 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 345,23 tỷ đồng.
Đến nay, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 505 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 2.497,8 tỷ đồng (trong đó, số quyết định ban hành trong năm 2021 là 20 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 229,1 tỷ đồng; số quyết định ban hành trước năm 2020 là 485 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 2.268,7 tỷ đồng). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 14,35 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 10,38 tỷ đồng, phạt là 3,97 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 3,46 tỷ đồng).
Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác quản lý thu hồi nợ thuế nên tính đến ngày 28/2/2021, ngành thuế đã thu hồi được 5.110 tỷ đồng, đạt 17% chỉ tiêu thu nợ giao, giảm 23,3% so với cùng kỳ. Tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý tính đến 28/2 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Về cải cách quản lý thuế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin. Đến nay đã có 809.397 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,68% số doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 01/01/2021 đến ngày 19/02/2021 là 2.903.211 hồ sơ.
Đã có 55 Ngân hàng thương mại (hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến 19/02/2021, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 802.792 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,86%.
Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 801.460 doanh nghiệp, đạt 98,95% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 19/02/2021, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 1.021.029 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 165.677 tỷ đồng và 3.541.841 USD.
Về hóa đơn điện tử, ngành thuế đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng. Đến nay có 255 doanh nghiệp đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Từ ngày 01/01/2021 đến 19/02/2021 có 61.890 hóa đơn đã được cấp mã với tổng doanh thu là hơn 4.032 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 352 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu và tiếp tục tác động xấu đến tình hình kinh tế và thu nộp NSNN trong năm 2021. Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất, ngành thuế đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ mà Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, qua đó giúp DN giảm bớt khó khăn, vượt qua giai đoạn dịch bệnh để ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh, lành mạnh hóa nền tài chính DN, có nguồn lực tài chính để nộp thuế đúng hạn.
Trong năm 2021, ngành thuế tập trung triển khai các giải pháp quản lý thuế như: mở rộng cơ sở thuế, tăng cường chất lượng công tác thanh kiểm tra, chống thất thu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá.
Để giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, trong thời gian tới cơ quan thuế các cấp sẽ đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; tổ chức bộ phận trực hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7, đảm bảo cho NNT có thể thực hiện nghĩa vụ với NSNN mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thuế kịp thời theo đúng chính sách, pháp luật.
Bình luận