Cuộc gọi về nhà giữa đêm sau chiến thắng của U22 Việt Nam
Về nước sau Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 30 cùng đồng đội, ngay đêm 11/12, thủ môn Nguyễn Văn Toản trở về đoàn viên cùng gia đình ở thôn Hữu Quan (Dương Quan, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).
Mặc dù gặp con trong chốc lát, hỏi han con vài ba câu vì thời gian Toản ở nhà chỉ hơn 1 ngày, nhưng chị Lương Thị Mơ (mẹ Văn Toản) rất hạnh phúc.
Chị Mơ bảo, ngay đêm 10/12, sau khi Việt Nam giành HCV SEA Games 30 bộ môn bóng đá nam, Toản gọi điện video về cho gia đình.
Thấy mọi người ở nhà tập trung cổ vũ cho đội tuyển U22 Việt Nam, thủ thành Nguyễn Văn Toản rất vui.
“Lúc ấy, Toản giơ HCV khoe với mẹ, với người hâm mộ đang có mặt tại nhà mình. Hai mẹ con chỉ nói chuyện được ít phút nhưng thấy con cười vui và khỏe mạnh là tôi mãn nguyện rồi.
Một ngày sau chiến thắng, Toản về nhà nhưng bà nội và em trai không hay biết. Sáng hôm sau, lúc con út của tôi tỉnh dậy thì giật mình vì thấy anh nằm ngủ bên cạnh. Bà đi lễ buổi sáng về cũng ngạc nhiên khi thấy cháu ra chào”, chị Mơ cười.
'Con nhớ mẹ nhưng con không về đâu'
Xen lẫn trong niềm tự hào mỗi khi nhắc về con, chị Mơ không quên được những ngày cách đây hơn 8 năm khi Toản rời xa gia đình, bắt đầu sự nghiệp “quần đùi, áo số”.
Toản sinh trưởng trong gia đình có ông nội cũng từng là thủ môn nức tiếng ở xã Dương Quan. Vợ chồng chị Mơ có 2 con trai nhưng chỉ Toản từ nhỏ có năng khiếu và đam mê đặc biệt với trái bóng tròn.
Ngoài giờ học, thỉnh thoảng Toản lại xin phép mẹ đi đá bóng ở đội của trường, của xã. Năm Toản học lớp 5, Trường Tiểu học Dương Quan, Trung tâm Đào tạo Vận động viên thể dục thể thao Hải Phòng đặt vấn đề với gia đình, nhà trường cho Toản đến trung tâm học tập, rèn luyện.
Chị Mơ phải đấu tranh tư tưởng để đưa ra quyết định đồng ý cho đứa con trai mới 11 tuổi rời xa gia đình. Mặc dù thâm tâm chị không muốn vì nghĩ con khổ nhưng trước sự động viên của chồng và ý chí quyết tâm của Toản, chị phải… chịu thua.
Ròng rã nhiều năm liền, trên chiếc xe máy Waves Alpha, sáng thứ 7, anh Nguyễn Văn Sáng (bố thủ môn Văn Toản) đón con về nhà, sáng thứ 2 lại chở con đi học trên quãng đường chừng 20km.
Ngày ấy, việc liên lạc khó khăn, mỗi lần gia đình muốn hỏi thăm tình hình học tập và sức khỏe của con đều phải đi nhờ điện thoại.
“Có lần, Toản mượn điện thoại thầy giáo gọi về cho mẹ, oà lên khóc. Thấy con khóc, tôi cũng cứ thế khóc theo, vừa nhớ con, vừa thương con. Tôi bảo Toản thôi về nhà với mẹ, không đá bóng nữa. Thấy mẹ nói vậy, Toản nín ngay, một mực nói “Con nhớ mẹ, nhưng con không về đâu”. Và Toản lại tiếp tục những ngày vừa học tập vừa rèn luyện môn bóng đá, trở thành một người tự lập ngay khi còn rất nhỏ”, chị Mơ nhớ lại.
Cứ thế, cậu bé Toản trưởng thành từng ngày từ Trung tâm Đào tạo Vận động viên thể dục thể thao Hải Phòng, “đầu quân” cho Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng.
Trong thời gian luyện tập, thi đấu dưới màu áo Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng, vì những bồng bột tuổi trẻ, có lần, Toản bị kỉ luật vì vi phạm quy định đội bóng.
Thời gian ấy, sau quyết định của câu lạc bộ, Toản về nhà. Mặc dù không còn khoác trên mình chiếc áo cầu thủ, không còn tập luyện trên sân nhưng tâm trí Toản lúc nào cũng hướng về sân cỏ và trái bóng.
Sau đó, theo lời "rủ" của chú, Toản theo phụ xưởng nhôm kính cùng chú để vừa có thu nhập, vừa khuây khỏa nỗi buồn. Cũng theo lời kể của chị Mơ, khi Toản theo chân chú đi làm công việc này, ở xưởng nhôm kính cũng hình thành nên đội bóng.
“Bạn bè rủ Toản đi du học ở Nhật Bản, bản thân tôi cũng mong con đi học vì biết đâu Toản sẽ tìm được niềm vui, niềm đam mê khác ngoài bóng đá. Nhưng Toản xin tôi cho Toản 3 năm để tìm lại chính mình, nếu không thành công, Toản sẽ từ bỏ nghiệp bóng để nghe lời bố mẹ”, chị Mơ tâm sự.
Đến đầu năm 2019, Ban lãnh đạo Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng gọi Toản trở về đội bóng. Toản chăm chỉ tập luyện, và sau đó ghi tên mình vào danh sách cầu thủ tham gia thi đấu SEA Games 30.
“Tôi luôn nghĩ, chính sai lầm trong quá khứ giúp Toản trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi chỉ mong con luôn giữ được niềm đam mê, giữ vững phong độ để thi đấu thật tốt”, mẹ thủ môn Nguyễn Văn Toản chia sẻ.
Bà Lê Thị Phĩn (84 tuổi, bà nội Văn Toản) cũng là một trong những “fan cuồng” của thủ thành đội tuyển U22 Việt Nam. Mặc dù tuổi cao, mắt mờ nhưng bà luôn cố gắng xem tất cả các trận bóng đá của đội U22 Việt Nam.
Bà Phĩn nhớ, ngày Toản cất tiếng khóc chào đời, bà vui lắm. “Lúc còn trong bụng mẹ, cháu rất lì, gần 10 tháng mới chịu chào đời nhưng lớn lên lại ngoan ngoãn, lễ phép. Có lần sợ tôi nằm một mình bị lạnh, cháu sang nằm ngủ cùng. Tôi chỉ mong cháu khỏe mạnh để tiếp tục đá bóng”, bà Phĩn nói.
Với thành tích đạt được cùng đồng đội, thủ môn Nguyễn Văn Toản vừa được thành phố Hải Phòng thưởng 200 triệu đồng.
Bình luận