Tình hình nghiên cứu, sản xuất, mua và nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo chi tiết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 29/5, về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Nêu tình trạng khan hiếm vaccine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ trưởng Y tế cho biết đợt vaccine vừa rồi về đã được cung cấp cho các địa phương, song Bộ Y tế “xin phép phải thu hồi lại vaccine tại một số địa phương” để ưu tiên cấp cho Bắc Giang và Bắc Ninh – những nơi dịch đang nóng và tình hình căng thẳng.
“Mong các địa phương thông cảm vì tình thế rất cấp bách”, ông Long nói.
Thiếu khoảng 40 triệu liều vaccine
Tại Việt Nam, ông Long cho biết “đến nay dự kiến có trong tay hơn 100 triệu liều, đủ để tiêm cho hơn 70% dân số”. Theo ông Long, chúng ta còn thiếu khoảng 40 triệu liều vaccine nên các cơ quan đang thúc đẩy tất cả cơ chế khác nhau để mua đủ 150 triệu liều tiêm cho toàn dân.
Các nguồn vaccine Việt Nam đang có gồm 38,9 triệu liều do Covax cung cấp; 30 triệu liều của AstraZeneca; 31 triệu liều đặt hàng của Pfizer và một nguồn khác đang đàm phán.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang đặt mua thêm 10 triệu liều từ Covax và 20 triệu liều từ Pfizer, song chưa rõ thời gian cung ứng. 40 triệu liều vaccine của Nga đã được Việt Nam đặt mua nhưng thời gian cung ứng dự kiến cuối năm 2022, Bộ Y tế đang nỗ lực thúc đẩy sớm việc này.
Bộ trưởng Y tế cho hay nhu cầu vaccine của các nước đang rất lớn trong khi nguồn cung khan hiếm. Các quốc gia tiếp cận vaccine theo một số phương thức.
Một là nhóm các nước đầu tư hàng tỷ USD cho các công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Hai là các nước tham gia thử nghiệm sản xuất vaccine như Ấn Độ, Brazil. Đây là những nước có tình hình dịch nghiêm trọng nên các nhà sản xuất lựa chọn để thử nghiệm vaccine lâm sàng. Nguyên tắc là thử nghiệm vaccine trên đất nước họ nên họ được ưu tiên.
Ba là các quốc gia đầu tư rủi ro, đặt hàng trước ngay khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng. Thành công thì mua, không thì coi như mất kinh phí đầu tư. Nhóm thứ tư là các nước chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp của Covax và nguồn ngoại giao.
Lý do khó kiểm soát dịch
Đề cập đến tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế nhận định số ca mắc tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn. Dịch lây trong môi trường hạn hẹp, không khí kém, mật độ đông người, điển hình như Công ty Hosiden của Bắc Giang có gần 1.000 người mắc trong tổng số hơn 4.800 công nhân.
Trong khi đó, chỉ 1-2 ngày đã xuất hiện thêm vòng lây nhiễm và lây theo cấp số nhân. Theo ông Long, đây là lý do khó kiểm soát dù các biện pháp chống dịch được triển khai rất quyết liệt.
Nhắc đến Bắc Giang, Bộ trưởng Y tế cho biết địa phương có 1.881 ca mắc liên quan 9 ổ dịch, trong đó có 5 ổ dịch ở khu công nghiệp và 4 ổ dịch ở cộng đồng. Số trường hợp mắc mới liên tục tăng nhanh từ 100-300 ca/ngày những ngày gần đây.
“Số ca mắc mới tăng nhanh gây khó khăn cho việc truy vết, xét nghiệm và tổ chức cách ly. Việc lây nhiễm trong khu công nghiệp rất lớn”, ông Long nhận định.
Nguyên nhân được Bộ trưởng Y tế chỉ ra là do mật độ đông công nhân, không gian hẹp, trần thấp, không khí kém. Trong khi đó lượng lớn công nhân ăn chung với nhau tại bếp ăn tập thể, sống chung trong khu trọ và dùng chung nhà vệ sinh.
Bộ trưởng Y tế nhân định tới đây, Bắc Giang sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và các ca mắc có xu hướng gia tăng. Tin tưởng địa phương sẽ kiểm soát được, song ông Long nói “không thể làm trong thời gian ngắn”.
Tương tự, ở Bắc Ninh dịch cũng xảy ra trong khu công nghiệp. Ông Long nhiều lần dùng cụm từ “rất quan ngại” khi nhắc đến tình hình dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Trong đó, ông định hướng một phương thức mới là tiết chế cách ly tập trung đối với khu vực đông công nhân để tránh lây nhiễm chéo.
Cùng với đó, các địa phương cần chuẩn bị chỗ cho các khu cách ly tập trung vì tỷ lệ F1 thành F0 rất nhanh, tỷ lệ khá cao (theo báo cáo là 55-79%).
Trong việc xét nghiệm, ông Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc này nhằm kiểm soát tốt tình hình. Như Bắc Giang thời gian qua đã lấy được 750.000 mẫu xét nghiệm - cao gấp 2,5 lần số mẫu được lấy ở Đà Nẵng trước đây.
“Càng làm nhiều xét nghiệm càng sớm đưa được nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, làm đứt nguồn lây của ca nhiễm”, Bộ trưởng Y tế nhận định.
Bình luận