• Zalo

Thủ đoạn lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 06/11/2020 15:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các thế lực thù địch từ lâu đã xem vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền là một trong những mũi nhọn để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam. Đó là một chiến lược tổng thể, quy mô và được triển khai một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các cấp độ.

Trên lĩnh vực tôn giáo, chiến lược “diễn biến hoà bình” được cụ thể hoá thành nhiều nội dung cụ thể, trong đó hoạt động lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo gắn với vấn đề nhân quyền và dân chủ được coi là một trọng điểm, một khâu đột phá, một mũi tiến công thường trực và xuyên suốt.  

Các thế lực thù địch đi sâu tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng Chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo; công dân theo đạo không được xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; cố gắng tạo ra khoảng cách cũng như dùng các thủ đoạn làm tăng sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực để kích động tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không những phủ nhận những kết quả trong công tác tôn giáo mà còn ra sức lợi dụng tôn giáo, coi tôn giáo là vũ khí lợi hại để chống phá sự nghiệp cách mạng với nhiều chiêu thức thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; khi thì bí mật, lúc thì trắng trợn, công khai.

Các thế lực thù địch cũng lôi kéo, cổ súy, hậu thuẫn cho một số linh mục, chức sắc tôn giáo có nhiều tham vọng chính trị và lợi dụng đức tin của các tín đồ đã tuyên truyền, xuyên tạc hết sức phản động về Đảng, chế độ, chính quyền các cấp; ngang nhiên phát thư ngỏ trên mạng xã hội, kêu gọi, kích động một bộ phận nhân dân có đạo gây rối.

Dựa vào đặc điểm địa lý; khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch đã lợi dụng để hình thành, phát triển những tôn giáo cực đoan, dị dạng trái với các giá trị văn hóa của tôn giáo, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, từ đó thúc đẩy kết hợp chống phá sự nghiệp cách mạng cả về vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Cần phải khẳng định rằng, trong tiến trình đi lên Chủ nghĩa xã hội, tôn giáo luôn được thừa nhận và bảo vệ theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.

Hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc. Các tổ chức tôn giáo tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một chính sách nhất quán của Đảng ta kể từ khi thành lập đến nay, là một nội dung cốt lõi trong quan điểm, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các giai đoạn cách mạng, quan điểm, nhận thức của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo luôn có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thực tiễn cách mạng Việt Nam, cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ đoạn lợi dụng  tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước - 1

Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm, chính sách đúng đắn về vấn đề này và khẳng định: tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân (Ảnh: Vietnamplus)

Điều 24 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nhìn nhận là quyền tự nhiên của con người - tức đã là con người, ai cũng được thụ hưởng, đó là quyền bẩm sinh của con người, con người sinh ra đã có quyền đó. Một điểm nữa để khẳng định rõ hơn chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là việc có nhiều hơn những người theo tôn giáo được kết nạp Đảng.

Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: “Số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nữ, trí thức, học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, người lao động trong các thành phần kinh tế và chủ doanh nghiệp tư nhân tăng hơn so với khóa trước”.

Việc ra đời các tổ chức tôn giáo phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn