Gần đây, dư luận xôn xao về thông tin xung quanh “lò đào đạo tiến sĩ” của Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Sau đó, Học viện Khoa học Xã hội đã tổ chức họp báo để công bố thông tin về những vấn đề dư luận đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, dường như sau buổi họp báo, dư luận vẫn đặt câu hỏi hoài nghi về chất lượng của những luận án tiến sĩ tại Học viện.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam họp báo thông tin về những vấn đề dư luận xôn xao (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Trả lời VTC News ngày 27/4, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết các những nội dung liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội đang được tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Trước đây, Bộ GD-ĐT có thanh tra Học viện Khoa học Xã hội nhưng chỉ về nội dung chỉ tiêu tuyển sinh.
Bên cạnh đó, bà Phụng cho biết trong quy chế, Bộ GD-ĐT đã quy định quy trình đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ.
Trong đó có việc cơ sở đào tạo phải công khai thông tin về việc bảo vệ luận án và toàn văn luận án chuẩn bị bảo vệ lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để các nhà chuyên môn và mọi người có thể tham khảo, giám sát, phát hiện sai sót…
Cụ thể, điểm b, khoản 2, Điều 36, quy định: “Thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định các điều kiện tổ chức cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, đảm bảo nguyên tắc: Thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của nghiên cứu sinh đã được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của cơ sở đào tạo, trang web của Bộ GD-ĐT, trên bảng tin của cơ sở đào tạo và của đơn vị chuyên môn, trên báo địa phương hoặc trung ương, trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ (trừ các luận án bảo vệ mật)."
“Vì vậy, nếu Học viện không công khai toàn văn luận án lên trang thông tin điện tử của Học viện thì là sai sót”, bà Phụng cho biết.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng |
Bà Phụng cũng cho rằng, Học viện Khoa học Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Chỉ tiêu của Học viện là tổng chỉ tiêu của 17 viện nên tổng thể lớn hơn các đơn vị khác nhưng tính trung bình mỗi viện nghiên cứu thì không lớn.
Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT, quản lý chất lượng thông qua việc quy định các điều kiện (đăng ký mở ngành; số lượng và trình độ giảng viên…), tiêu chí của luận án, quy trình tổ chức thực hiện để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo tiến sĩ.
Bộ GD-ĐT cũng tiến hành thẩm định xác suất đối với khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo.
Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến phản ánh không tốt về nội dung và chất lượng luận án cụ thể nào đó thì Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định.
Các cơ sở đào tạo kém chất lượng có thể sẽ phải đình chỉ tuyển sinh, không cho phép thành lập hội đồng đánh giá luận án theo quy định của quy chế.
Video: Lý do khiến Viện hàn lâm Khoa học Xã hội VN ít công bố quốc tế (Thực hiện: Phạm Thịnh)
Bà Phụng cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang soạn thảo Quy chế đào tạo tiến sỹ mới thay thế quy chế hiện hành. Quy chế mới sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo sẽ là yếu tố quyết định quyền tự chủ của cơ sở đào tạo.
Bộ cũng sẽ nghiên cứu đưa vào quy chế mới những điều khoản để tăng cường kiểm tra, trách nhiệm giải trình của cơ sở trong quá trình đào tạo tiến sỹ.
GS Võ Khánh Vinh (Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội) (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Trước đó, GS Võ Khánh Vinh (Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội) khẳng định quy trình đào tạo tiến sĩ của Học viện rất bài bản, chặt chẽ, thậm chí tiêu chuẩn còn cao hơn quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Ông Vinh cũng khẳng định sẵn sàng tiếp đón các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đến kiểm tra quy trình đào tạo của học viện.
Bên cạnh đó, bản thân những vị chuyên gia hướng dẫn những đề tài đang gây xôn xao dư luận cũng cho biết sẵn sàng mời thanh tra Bộ GD-ĐT thẩm định lại chất lượng các luận án.
Phạm Thịnh
Bình luận