• Zalo

Thoát cửa tử nhờ lá phổi từ người cho chết não

Tin tứcThứ Hai, 16/12/2024 16:27:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chị Hiền mắc bệnh phổi hiếm gặp, từng nhiều lần đứng giữa lằn ranh sinh tử, nay khỏe mạnh nhờ được ghép lá phổi từ người cho chết não.

“Giờ đây tôi có thể tự đi lại được 300-400m và tự vệ sinh cá nhân. Nhờ lá phổi của người hiến, tôi thấy mình được sinh ra thêm một lần nữa”, chị Trịnh Thị Hiền (39 tuổi, quê ở Nghệ An) xúc động nói trong ngày xuất viện, 16/12.

Tháng 2/2024, chị Trịnh Thị Hiền được chuyển từ y tế tuyến dưới lên Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng khó thở, sút cân. Sau thăm khám, chị được chẩn đoán mắc bệnh Lymphangioleiomatomatosis (LAM) - là sự tăng trưởng không đau của tế bào cơ trơn xung quanh phổi, các mạch máu phổi, mạch bạch huyết, và màng phổi.

Đây là bệnh hiếm, nếu không được ghép phổi, khó kéo dài sự sống. May mắn một người chết não hiến tạng, chỉ số phù hợp với cơ thể chị.

Chị Hiền trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Chị Hiền trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. 

Trong quá trình ghép, tĩnh mạch phổi dưới bên trái bệnh nhân bị khiếm khuyết gây khó khăn trong ghép phổi. Các bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực ghép phổi phải "cân não" để tạo hình tĩnh mạch phổi dưới cho người bệnh. Trong quá trình hồi phục, một lá phổi gần như không thể hoạt động. Người bệnh lại được đưa vào phòng mổ tạo hình lại toàn bộ tĩnh mạch phổi dưới bên trái.

Những tưởng khó khăn của ghép phổi đã qua thì bệnh nhân lại phát hiện có khối u ở thận và gây ra tình trạng vỡ. Các bác sĩ đưa chị vào phòng mổ, loại bỏ thận phải. Ổn định được thời gian ngắn, bất thường lại ập đến khi chị xuất hiện tình trạng rò dưỡng chất trong hệ thống đường tiêu hóa. May mắn chị được các bác sĩ xử lý kịp thời.

Trong giai đoạn phục hồi, chị Hiền lại mắc một loại virus thường gặp ở bệnh nhân ghép tạng. Virus này làm tiêu toàn bộ máu hồng cầu ngoại biên, gây nên tình trạng thiếu máu trầm trọng. Các bác sĩ phải sử dụng phác đồ điều trị đắt đỏ, lên tới 200 triệu đồng trong 5 ngày để loại bỏ hoàn toàn virus này trong cơ thể người bệnh.

"Ca ghép phổi này phức tạp, người bệnh mắc nhiều bệnh nền nặng, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó, đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao của các chuyên gia phẫu thuật", tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói.

Vợ chồng chị Hiền tặng hoa tri ân các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: BVCC)

Vợ chồng chị Hiền tặng hoa tri ân các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: BVCC)

Sau 7 tháng nằm viện chờ hồi phục sau ghép phổi, sức khoẻ chị Hiền tốt hơn và được xuất viện. Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện thành công 4 ca ghép phổi. Trong đó, Trịnh Thị Hiền là trường hợp thứ 3 ghép phổi thành công. Đây là ca ghép phổi được các bác sĩ đánh giá khó nhất từ trước đến nay tại bệnh viện. 

Hàng năm, Việt Nam ước tính hàng nghìn người cần ghép phổi, nếu có nguồn tạng hiến. Việt Nam hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng với quy trình chẩn đoán điều trị nội khoa, ghép phổi tương đương như các nước châu Âu.

Bình luận
vtcnews.vn