Theo đó, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO nếu hai nước này không thực hiện các điều khoản thỏa thuận với Ankara.
Ông Erdogan cho rằng, bản ghi nhớ ba bên đạt được hôm 28/6 không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự động chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển, Phần Lan.
Theo quy định, đơn đăng ký của quốc gia ứng viên gia nhập NATO phải được tất cả các thành viên chấp thuận và quốc hội của từng nước phê chuẩn.
Tổng thống Erdogan cảnh báo, hành vi trong tương lai của Thụy Điển và Phần Lan sẽ quyết định liệu ông có chuyển đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu tới quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
“Nếu họ hoàn thành nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ chuyển đơn xin gia nhập ra quốc hội", ông Erdogan nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký bản ghi nhớ với Phần Lan và Thụy Điển để ủng hộ hai nước trở thành thành viên NATO. Điều này có được sau nhiều tuần nỗ lực ngoại giao và đàm phán giữa các bên.
Để nhận được sự "gật đầu" của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước Bắc Âu nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được áp đặt để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Ankara vào Syria năm 2019.
Hơn nữa, Phần Lan và Thụy Điển cũng cam kết “lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức” và chấm dứt ủng hộ các tổ chức mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Hôm 29/6, lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO chính thức mời Thụy Điển, Phần Lan gia nhập liên minh tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha. Tuyên bố nhấn mạnh “an ninh của các nước Bắc Âu có tầm quan trọng trực tiếp đối với liên minh”.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ khi "bật đèn xanh" để Phần Lan - Thụy Điển gia nhập NATO được xem là bất ngời, bởi vì trước đó nước này liên tục tuyên bố bác đơn xin gia nhập của Helsinki và Stockholm.
Bình luận