"Khái niệm chiến lược" là tài liệu được NATO cập nhật một thập kỷ/lần. Văn kiện này được cập nhật nhằm tái khẳng định các giá trị và mục đích của NATO, đánh giá chung về môi trường an ninh, định hướng cho sự phát triển chính trị và quân sự trong tương lai.
Theo "Khái niệm chiến lược" mới vừa được NATO thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây Ban Nha, tổ chức này coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của liên minh.
NATO không còn coi Nga là đối tác, nhưng sẵn sàng duy trì kênh liên lạc mở. NATO cũng tuyên bố không tìm cách đối đầu với Nga và không gây ra mối đe dọa nào đối với nước này. Liên minh quân sự này nhấn mạnh, mối quan hệ giữa NATO và Nga có thể thay đổi, nhưng sẽ phụ thuộc vào Moskva.
Đối với Trung Quốc, NATO cho rằng việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng sẽ ảnh hưởng đến các giá trị và lợi ích của liên minh.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách phá hoại trật tự thế giới bằng cách cố gắng chi phối kinh tế toàn cầu. NATO lên kế hoạch hợp tác sâu rộng với các đối tác của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Khái niệm chiến lược" mới của NATO cũng nhấn mạnh đến việc củng cố khối. Việc mở rộng NATO có ý nghĩa lịch sử đối với liên minh và đảm bảo "an ninh cho hàng triệu công dân châu Âu."
NATO dự định "tăng cường đáng kể" lực lượng của mình để răn đe Nga và phòng vệ. Các quốc gia thành viên nhất trí mở rộng ngân sách quân sự trên 2% GDP.
Liên minh quân sự này coi các lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt là của Mỹ, là sự đảm bảo cao nhất cho an ninh của mình. Chiến lược răn đe hạt nhân của NATO cũng phụ thuộc vào việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trong tương lai và sự đóng góp của các đồng minh.
NATO có kế hoạch phát triển các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả ứng dụng quân sự của trí tuệ nhân tạo. Khối coi việc tấn công từ bên ngoài vào các thành viên của mình là có thể xảy ra.
Về mối quan hệ với Ukraine, NATO sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác với Ukraine và Gruzia - những nước đang mong muốn gia nhập liên minh. Đồng thời, lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cũng đã thông qua một chương trình hỗ trợ tăng cường cho Ukraine, cung cấp nhiều viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev khi cần thiết.
Bình luận