(VTC News) - Bỏ nửa triệu đồng ăn bát phở bò Kobe nhưng cơ quan quản lý lại nói chưa thấy doanh nghiệp nào đăng ký nhập loại thịt siêu đắt này. Mua chocolate thì không biết có bị lừa vì quá hạn sử dụng hay không. Mua cá hồi, sụn gà cao cấp thì hoá ra hàng Trung Quốc… Không ít người thực sự bối rối khi chọn lựa thực phẩm nhập ngoại.
Bát phở nửa triệu, vẫn chưa “xịn”
Ăn bát phở bò Kobe giá nửa triệu đồng một thời là cách để người giàu thể hiện đẳng cấp của mình. Còn người nuôi bò Việt Nam thì thán phục khi được tả về quy trình nuôi dưỡng chú bò Kobe cầu kỳ ở đất nước được coi là có nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới.
Người Việt tự hào vì giờ đây ngồi ở đất nước mình có thể thưởng thức được những món ngon vật lạ trên khắp thế giới. Thế nhưng, người tiêu dùng Việt Nam lại một phen giật mình khi lãnh đạo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định Cục này chưa cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò từ Nhật Bản về Việt Nam.
Hay có thể nói thịt bò Kobe vào Việt Nam bằng chứng thư giả. Vậy thực phẩm nhập ngoại ở Việt Nam liệu có tốt?
Trên một diễn đàn dành cho những người đã từng sống ở Nhật Bản, một thành viên chia sẻ, mỗi năm sản lượng bò Kobe chỉ giới hạn trong 5000 con, hầu như chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ và xuất sang các thị trường đặc biệt, chính vì hiếm như vậy nên mới tạo nên thương hiệu nổi tiếng của bò Kobe. Do vậy, việc thịt bò Kobe xuất hiện tại Việt Nam cũng cần xem lại.
Có thể nói, dù phải qua nhiều tầng nấc kiểm tra, bị áp đến hàng chục quy định, quy chế nghiêm ngặt nhưng thực phẩm ngoại kém chất lượng, hàng quá date, hàng rởm, hàng nhái vẫn còn xuất hiện trên thị trường Việt Nam.
Không chỉ có bò Kobe, gần đây, những thực phẩm gắn mác nhập ngoại như sụn gà, vi cá mập ngoại nhập từ các nước tiên tiến thực ra là hàng Trung Quốc cũng được phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang.
Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã phanh phui hành vi làm giả hạn sử dụng (date) của một công ty phân phối thực phẩm có kho hàng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hàng nghìn hộp bánh nhập khẩu với tổng trọng lượng hàng hoá khoảng 8 tấn đã hết hạn từ tháng 4/2012 hoặc sắp hết hạn sử dụng được công ty dập hạn sử dụng mới đến 2013. Để che mắt người tiêu dùng và lực lượng chức năng, nhà nhập khẩu đã dán đè tem nhãn phụ lên hạn sử dụng của nhà sản xuất, được thiết kế bằng lớp keo dính chặt.
Việc “làm mới” hạn sử dụng trên hộp thiếc lại đơn giản hơn nhiều: Chỉ cần dùng loại hóa chất chuyên dụng, đổ lên phần in hạn sử dụng của nhà sản xuất, đợi một lúc rồi lau lớp hóa chất đi là hoàn thành hành vi làm mới date.
Rối tung nguồn gốc hàng ngoại
Không chỉ thực phẩm ngoại được làm giả hoặc làm giả hạn dùng, tại cuộc họp giao ban về những giải pháp kiểm soát tình trạng nhiều loại nông sản, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã phát hiện nhiều loại trái cây nhập khẩu chứa chất gây hại cho sức khỏe.
Trong tháng 7, đoàn kiểm tra của Cục phát hiện 2 lô hàng nho tươi của Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao gấp 3-5 lần mức độ cho phép và 1 mẫu khoai tây có lượng tồn dư cao gấp 3 lần cho phép.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, hiện nay có 5 loại trái cây Trung Quốc đang nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất gồm táo, lê, cam, quýt, dưa vàng và nho. Do phát hiện vi phạm nên trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung kiểm soát các lô nho Trung Quốc.
Gần đây nhất, tại một số cửa khẩu phía Bắc, lực lượng hải quan đã kiểm tra và bắt giữ hàng trăm tấn nội tạng, phụ phẩm động vật đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Lực lượng công an, cảnh sát môi trường PC 49 đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện nhiều kho chứa hàng tại các cảng nội địa ở Hà Nội có chứa nhiều thực phẩm chế biến, đồ uống quá hạn sử dụng.
Ngoài ra, hàng trăm tấn rau củ quả có tồn dư chất bảo quản quá quy định hàng ngày bị nhập khẩu vào thị trường nội địa, gây lo lắng cho người dân, khiến công tác an toàn thực phẩm trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Hầu hết số nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam thường được tẩm ướp, chế biến thành các món nướng vì khi có gia vị và được nướng chín sẽ át mùi ôi thiu. Những lô hàng chưa phân rã, chưa thối do bảo quản bằng hóa chất sẽ được cung cấp cho các quán lẩu, lòng lợn tiết canh…
Theo lực lượng chức năng, mặc dù lòng lợn đã bốc mùi rất nặng nhưng nếu nhìn sẽ thấy vẫn rất khô ráo, tươi như vừa được giết mổ. Hóa chất này không rõ thành phần nhưng theo nhiều người kinh doanh, đây cũng chính là loại hóa chất được dùng để tẩy mòn mực đã ôi thiu và bốc mùi.
Dịp tết Nguyên đán gần đây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một lô thực phẩm cao cấp gồm sụn gà, cá hồi, thịt bò… nhập khẩu, nhưng thực tế đều là hàng Trung Quốc bị làm giả giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hoá.
Thực phẩm nhập khẩu thường được nhiều người ưa thích mặc dù đắt hơn hàng nội, trong đó chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến công nghiệp hoặc thực phẩm sơ chế. Qua khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng nhập khẩu thuộc nhóm ăn uống chiếm khoảng 30-50% số lượng hàng hóa cùng chủng loại.
Chị Nguyễn Xuân Hương, làm quản lý tại một khách sạn lớn ở Hà Nội là tín đồ của thực phẩm ngoại.
Theo chị Hương, sản phẩm nhập khẩu được kiểm nghiệm tới 2 lần bởi cơ quan chức năng của đơn vị sản xuất và cơ quan chức năng Việt Nam nên rất an toàn. Không những thế, thực phẩm nhập khẩu phong phú về chủng loại và chất lượng. Tuy đắt hơn các sản phẩm nội nhưng “đắt xắt ra miếng”.
Tuy nhiên, mặc dù có giao kèo giữa nhà phân phối và siêu thị, trung tâm thương mại nhưng không phải lúc nào các sản phẩm nhập khẩu đều có đủ yêu cầu về nhãn mác, hướng dẫn sử dụng… khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.
Những đợt kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng cho thấy, mặc dù được bày bán tại siêu thị với những quy định kiểm định nghiêm ngặt song vẫn có lẫn những sản phẩm bị bôi sửa, tẩy xóa làm mới hạn sử dụng, có nhiều thuốc tẩy, nhiễm hàn the, formol hoặc phẩm màu lạ. Thực phẩm ngoại đắt tiền chưa hẳn đã “xịn”.
Hà Lan
Bình luận