Chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT sẽ triển khai ở lớp 10 sau gần 5 tháng nữa. Điểm mới của chương trình là học sinh được chọn các môn học theo sở thích, đồng thời xuất hiện môn học mới Âm nhạc, Mỹ thuật, dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên cục bộ.
Năm học tới, học sinh lớp 10 học 7 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Với các môn tự chọn, học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Theo quy tắc trên sẽ có khoảng 108 cách chọn tổ hợp môn học.
Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Đoan Hùng, Phú Thọ lo lắng khi môn Nghệ thuật, gồm Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10. Do những năm trước không dạy môn này, nên trường không có giáo viên biên chế. Trước năm học mới, nếu không tuyển giáo viên nghệ thuật, trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nếu tuyển mà trò không chọn học thì thầy cô sẽ không có việc làm.
Để không xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ, trường xây dựng 6 tổ hợp cho học sinh lựa chọn dựa trên số lượng giáo viên đang có. Các tổ hợp được xây dựng theo hướng tập trung vào nhóm Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật), sau đó chọn thêm Tin học hoặc Công nghệ.
Giai đoạn đầu triển khai, trường chưa dạy hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Những năm sau, dựa vào hướng dẫn của Sở và Bộ, trường dần bổ sung giáo viên trong các nhóm còn thiếu để mở rộng các tổ hợp, giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng cho biết, tạm thời năm tới trường không tổ chức môn nghệ thuật trong chương trình học chính khóa, do thiếu giáo viên. Bù lại, trường đẩy mạnh câu lạc bộ các môn nghệ thuật để học sinh sinh hoạt, thể hiện năng khiếu.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) thừa nhận gặp khó khăn khi bố trí nhân sự và thiếu giáo viên nghệ thuật. "Sắp tới trong các buổi tập huấn chương trình và sách giáo khoa mới, trường sẽ trao đổi với Sở GD&ĐT Hà Nội về vấn đề này", cô Huyền nói.
Trường THPT Phan Đình Phùng đang tính đến phương án thuê giáo viên tại các trường cao đẳng, trung cấp Nghệ thuật hoặc giáo viên Nhạc họa bậc THCS, nhưng phương án này về lâu dài không ổn, trường vẫn cần nhân sự biên chế.
Thiếu hơn 10.000 giáo viên nghệ thuật
PGS.TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết, theo dự báo của Bộ GD&ĐT về nhu cầu tuyển dụng giáo viên nghệ thuật thì năm 2022 cần hơn 23.700 giáo viên các cấp để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Riêng với bậc THPT, đến năm 2022, nhu cầu tuyển dụng là hơn 10.000 giáo viên, còn bậc tiểu học đang thiếu trên 4.000 giáo viên nghệ thuật, bậc THCS tạm đủ.
Hiện hơn 2.800 trường THPT trên cả nước vẫn chưa có giáo viên nghệ thuật, trong khi việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 năm học 2022 - 2023 sắp kề cận.
Theo ông, hai nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật hiện nay. Thứ nhất do khó khăn về định biên. Cả nước hiện thiếu trên 94.000 giáo viên các môn học, cấp học. Trong khi theo lộ trình thực hiện việc giảm biên chế cơ quan sự nghiệp nhà nước, vẫn cần giảm hàng chục ngàn trường hợp mà chủ yếu trong ngành giáo dục.
Thứ hai là thiếu nguồn tuyển. Thực tế, nguồn giáo viên đang dạy ở các bậc tiểu học, THCS cũng không đồng nhất do tuyển dụng từ nhiều cơ sở đào tạo, trình độ, bằng cấp khác nhau và mới chỉ phủ về số lượng mà chưa tính toán được chất lượng. Tình trạng này đang lặp lại ở bậc THPT.
Mặt khác, việc thu hút người có năng khiếu vào học sư phạm nghệ thuật để dạy nghệ thuật là rất khó. Những người thực sự có năng khiếu, đam mê có thể đã chọn một ngành nghệ thuật khác.
Môn nghệ thuật ở chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao hơn với người học vì đây là môn học đặc thù. Những học sinh lựa chọn môn này cần đam mê, năng khiếu và có thể mong muốn theo đuổi một nghề liên quan trong tương lai. Vì thế ở bậc THPT, ngoài việc cung cấp kiến thức nền tảng, người thầy cần biết khơi dậy đam mê và định hướng thẩm mỹ cho học sinh.
Để giải quyết tình trạng trên, một số địa phương Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Bình... đưa ra những giải pháp tạm thời luân chuyển giáo viên ở bậc THCS lên dạy THPT, hoặc có chế độ để giáo viên kiêm nhiệm dạy 2 cấp, chia sẻ nguồn giáo viên trong cùng địa bàn (cụm trường, quận, huyện)...
Bình luận