Ý tưởng mà các nhà khoa học đưa ra trong nghiên cứu này là panspermia, giả thuyết cho rằng sự sống có thể lan truyền trong không gian thông qua các vi khuẩn trôi nổi.
Năm 2017, một thiên thạch rộng 0,3 m bay ngang qua bầu trời Australia tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ. Điều đặc biệt là thiên thạch này không lao xuống đất mà bay sượt qua rồi thoát ra khỏi bầu khí quyển.
Các nhà khoa học tới từ Đại học Harvard là Amir Siraj và Avi Loeb tin rằng một tảng đá không gian bất kỳ về mặt lý thuyết có thể thu nhận vi khuẩn trong khí quyển, sau đó vận chuyển chúng tới 1 hành tinh khác.
Bộ đôi này tính toán, thiên thạch nói trên khi đi qua bầu khí quyển của Trái đất đã thu nhặt khoảng 10.000 vi sinh vật và mang nó vào vũ trụ.
Từ giả thiết này, họ tin Trái đất có thể đã cung cấp thành phần cấu thành sự sống cho sao Kim bởi trong khoảng 3,7 tỷ năm qua, có ít nhất 600.000 thiên thạch bay sượt qua tầng thượng khí quyển của Trái Đất.
Trong 1 nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học phát hiện một loại khí được gọi là phosphine bên trong các đám mây của sao Kim. Họ tin rằng đây là bằng chứng chứng minh các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này, qua đó cho thấy dấu hiệu về sự sống bên ngoài Trái đất.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học khẳng định sự tồn tại của phosphine không hẳn đã là dấu hiệu của sự sống.
"Mặc dù nhóm khám phá đã xác định phosphine tại sao Kim bằng 2 kính thiên văn khác nhau, nhưng phosphine có thể là kết quả của một số quá trình không liên quan đến sự sống, chẳng hạn như sét, tác động của thiên thạch hoặc thậm chí là hoạt động của núi lửa", Paul Byrne, phó giáo sư tới từ tại Đại học North Carolina cho hay.
Bình luận