Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, hoa muồng hoàng yến đã nở vàng rực cả con đường Nguyễn Phúc Nguyên. Hướng mắt nhìn về dòng sông Hương vẫn nhịp nhàng trôi, có thể cảm nhận đất trời cố đô đang từng ngày thay đổi. Tuy nhiên, chùa Thiên Mụ vẫn nguyên vẹn, như nỗi lòng của biết bao thế hệ hướng về nguồn cội.
Từ thành phố Huế, chúng tôi chạy xe khoảng 5km về phía Tây thuộc địa phận Hương Long. Chùa Thiên Mụ tọa lạc tại đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Bí ẩn lời nguyền tình yêu, kiến trúc độc đáo có một không hai đã ghi danh ngôi chùa vào top 20 điểm du lịch nổi tiếng nhất của mảnh đất cố đô.
Chúng tôi chọn điểm dừng chân đầu tiên tại quán đậu hũ của mấy dì bán hàng rong ngồi dưới chân chùa. Đến chùa mà không ngồi lại thưởng thức chén tàu hũ thanh mát, ngắm nhìn cảnh sông Hương buổi hoàng hôn thơ mộng thì chưa tận hưởng trọn vẹn du lịch chùa Thiên Mụ.
Lúc nào cũng thế, từ khi bình minh lên đến khi hoàng hôn buông xuống, chùa Thiên Mụ vẫn nhộn nhịp những bước chân hành hương của khách du lịch từ bốn phương đổ về tham quan và vãn cảnh chùa.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi lên chùa lúc buổi chiều tàn, ánh nắng bây giờ đã yếu dần và những cơn gió dịu mát từ sông Hương thổi vào xua đi cái nắng gắt của ngày hè. Không vội vào chùa, chúng tôi nán lại trước cổng, cùng nhau lưu lại mấy tấm hình, tiến tới là tháp Phước Duyên.
Tòa bửu tháp cao 21m gồm 7 tầng, tượng trưng cho 7 vị Phật, là biểu tượng của ngôi quốc tự danh tiếng bậc nhất cố đô Huế.
Chúng tôi đang mải mê ngắm nhìn vẻ đẹp đến mê hoặc lòng người của dòng sông Hương trầm mặc. Bỗng tiếng chuông chùa rung lên, âm vang như hòa vào dòng sông, dội vào núi đồi. Tiếng chuông chùa làm mọi lo âu phiền muộn bỗng chốc tan biến, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy sự bình yên, thanh tịnh đến lạ thường như thế.
Tại chính điện, chúng tôi dâng lên nén hương, cầu mong mọi sự bình an, may mắn. Lần này trở về, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về lịch sử ngôi chùa. May mắn thay, chúng tôi gặp lại người thầy mà khi trước lên chùa đã có duyên gặp mặt. Thầy Nguyên Chương hiền hậu mời chúng tôi ngồi lại trò chuyện, ăn bánh, uống trà.
Khi nhắc về tên chùa, thầy Chương ân cần hỏi chúng tôi có hiểu ý nghĩa của hai chữ Thiên Mụ không. Quả thực, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến ý nghĩa của nó.
Chùa Thiên Mụ có rất nhiều tên gọi gắn liền với những thuyết của người xưa kể lại. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".
Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Nhất với trình tự từ ngoài vào: Tháp Phước Duyên, Tam quan, Chính điện, và cuối cùng là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Lần đầu tiên chúng tôi nghe về Pháp lam Huế. Thiên Mụ là ngôi chùa đầu tiên tại Huế xuất hiện kiến trúc Pháp lam. Tháp Phước Duyên là nơi đầu tiên xuất hiện kiểu trang trí Pháp lam bằng bình cam lộ và cù dao gắn ở góc đao mái của bảy tầng tháp và những chữ Hán gắn trên các bức hoành phi và câu đối ở mặt tiền của bảy tầng tháp.
Trải qua hơn 4 thế kỉ, lớp men phủ bên ngoài bình cam lộ đã bong tróc khá nhiều nhưng màu sắc của lớp men còn lại (khoảng 80%) vẫn tươi nguyên như cũ. Đến nay bình cam lộ là hiện vật nguyên gốc, xứng danh cổ vật pháp lam có kích thước lớn nhất trong các cổ vật pháp lam mà triều Nguyễn để lại trên đất Huế.
Chúng tôi ra về khi trời đã tắt nắng hẳn, cảnh vật dần chuyển mình về tối. Đây sẽ là chuyến du lịch đáng nhớ của chúng tôi. Sau này có ai hỏi về Thiên Mụ, chúng tôi sẽ tự tin kể cho họ nghe về lịch sử, về những thuyết bí ẩn của ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất miền Trung.
Bình luận