Mở cửa hàng không nội địa, khách có xét nghiệm âm tính mới được bay
Cục Hàng không đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa, thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, các hãng hàng không được chủ động tổ chức vận chuyển (xây dựng lịch bay, mở bán, tiến hành khai thác…), khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại địa phương, việc mở bán, khai thác...cũng sẽ thay đổi tương ứng.
Cục Hàng không cũng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe với mọi nhân sự của mỗi chuyến bay, nhằm đảm bảo cao nhất an toàn dịch bệnh. Cụ thể, toàn bộ tổ bay và nhân viên hàng không phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19; tổ bay có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi thực hiện chuyến bay.
Trong khi đó, hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ; chia thành 3 giai đoạn được phép bay.
Được hoạt động lại, nhiều hàng quán ở Hà Nội, TP.HCM vẫn không dám mở cửa
Dịch bệnh COVID-19 đang tiến triển khả quan nên nhiều địa phương ở Hà Nội, TP.HCM đã cho phép mở cửa trở lại nhiều dịch vụ.
Ngày 15/9, TP.HCM thí điểm mở cửa Quận 7 và huyện Củ Chi. Trong khi đó, từ 12h ngày 16/9, Hà Nội cũng cho phép một số dịch vụ được hoạt động tại 19 quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20 của Chủ tịch UBND thành phố).
Các dịch vụ đó gồm: kinh doanh ăn uống; văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; các cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhiều cửa hàng, đặc biệt là cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống,lại không mặn mà với việc được hoạt động trở lại sau nhiều ngày bị đóng cửa. Nguyên nhân là tại TP.HCM, hàng quán phải tuân thủ quy định phòng dịch bằng các biện pháp “3 tại chỗ”, phải xét nghiệm cho nhân viên và chỉ được bán mang về qua shipper. Trong khi đó, các shipper lại chỉ được hoạt động trong 1 quận, huyện.
Tương tự, tại Hà Nội, lượng khách chưa đông và bị hạn chế đi lại cũng khiến chủ quán e ngại lợi nhuận không đủ để bù lỗ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty VinBigData vốn 471 tỷ đồng
Ngày 15/9, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Công ty Cổ phần VinBigData (VinBigData) với vốn điều lệ 471 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 99%, Giáo sư Vũ Hà Văn cùng ông Đào Đức Minh nắm giữ 1% cổ phần còn lại. Chủ tịch HĐQT công ty là bà Nguyễn Mai Hoa (sinh năm 1969).
VinBigData được lập ra trên cơ sở tách một phần chức năng khoa học công nghệ của Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn big data trực thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Vintech.
Gần đây, Vingroup thành lập nhiều công ty con trong lĩnh vực công nghệ. Đầu tháng 8, tập đoàn lập Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI với vốn điều lệ 425 tỷ đồng. Đầu tháng 6, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng lập Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare với số vốn 200 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vietnam Airlines lên đỉnh 1 năm, SCIC chi 7.000 tỷ đồng mua
Ngày 13/9, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chi 6.894,9 tỷ mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ Vietnam Airlines.
Theo SCIC, việc đầu tư mua cổ phiếu HVN sẽ góp phần giúp Vietnam Airlines bổ sung vốn phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn, hạn chế các tác động của đại dịch COVID-19. Đây cũng là thương vụ hiện thực hóa chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 của SCIC.
SCIC thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, chốt phiên giao dịch ngày 13/9, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng trần lên 26.800 đồng - cao nhất trong một năm qua. Đây cũng là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của mã này. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể khi mỗi phiên trước đây chỉ khoảng 10-15 tỷ đồng thì nay đã xấp xỉ 100 tỷ đồng, tương ứng hơn 3,7 triệu cổ phiếu được sang tay.
Ra mắt iPhone 13, khách Việt ào ào đặt cọc chờ mua
4 phiên bản iPhone 13 cùng 2 chiếc iPad mới và Apple Watch Series 7 được Apple giới thiệu tại sự kiện trực tuyến diễn ra vào 0h ngày 15/9 (giờ Việt Nam). Các mẫu iPhone 13 có thiết kế hầu như không thay đổi so với các phiên bản tiền nhiệm. Theo công bố của Apple, iPhone 13 Pro giá từ 999 USD, iPhone 13 Pro Max giá từ 1.099 USD, iPhone 13 giá từ 799 USD và iPhone 13 mini có giá từ 699 USD.
Ngay sau đó, nhiều hệ thống bán lẻ ở Việt Nam đã niêm yết giá bán và mở đặt hàng cho các sản phẩm iPhone mới này. Giá thấp nhất là iPhone 13 mini 128GB giá 21,99 triệu đồng và cao nhất là iPhone 13 Pro Max 1T giá 49,99 triệu đồng. Dự kiến khoảng tháng 10 sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng Việt.
Nhiều khách hàng đã đặt cọc, săn mua mẫu smartphone mới này của Apple từ trước khi sản phẩm này chính thức được ra mắt. Giám đốc hệ thống Hnam Mobile cho biết có khách đặt 8 chiếc, khách đặt 6 chiếc và nhiều trường hợp đặt 2, 3 chiếc iPhone 13 tại hệ thống cửa hàng này từ trước thời điểm ra mắt.
Một số cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone xách tay tại Hà Nội cũng bắt đầu chào bán những chiếc iPhone 13.
Đường sắt kiến nghị vay 800 tỷ đồng, tránh nguy cơ dừng hoạt động
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị cấp thẩm quyền xin vay 800 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động.
Nguyên nhân được VNR đưa ra là do 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, tổng công ty dự kiến lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhưng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021, VNR dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VNR, trong tháng 8/2021, sản lượng vận tải hành khách của tổng công ty chỉ hơn 8.640 lượt, đạt 24,8% kế hoạch và chỉ bằng 6,5% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí sản lượng giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn. Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Thống kê của VNR cho thấy, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, ngành đường sắt có hơn 5.500 lượt người lao động phải nghỉ việc đến từ các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc-Nam bắt đầu giảm sút.
Mùa Trung thu ế ẩm chưa từng có với doanh nghiệp, hộ kinh doanh
Trung thu năm nay diễn ra đúng vào lúc hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện giãn cách để phòng chống đại dịch COVID-19. Nhiều “đại gia” trong làng bánh trung thu như ABC Bakery, Kido Group, Mondelez Kinh Đô, Hữu Nghị…đã khẳng định năm nay không làm bánh trung thu hoặc chỉ kinh doanh cầm chừng.
Việc nhiều doanh nghiệp bánh trung thu lớn nhỏ đều thu hẹp hoặc tạm ngừng mùa này cũng ảnh hưởng lớn tới những DN cung cấp nguyên liệu.
Trong khi đó, phần lớn các hộ kinh doanh đồ trung thu ở nhiều tỉnh, thành cũng gặp cảnh thất bát dù Tết Trung thu đã cận kề.
Kem Tràng Tiền nguy cơ bị hủy niêm yết
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán OGC), đơn vị sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền vừa bị kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan tổng số dư nợ gốc hơn 1.000 tỷ đồng của các khoản nợ phải thu, góp vốn, cho vay, đầu tư.
Sau 6 tháng đầu năm, Ocean Group đạt doanh thu 220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi trên không thấm vào đâu so với mức lỗ hàng nghìn tỷ trước đó. Đến cuối tháng 6, lỗ lũy kế của Ocean Group lên tới hơn 2.600 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) thông báo nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm nay của Ocean Group tiếp tục nhận ý kiến ngoại trừ, công ty sẽ rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.
Ngay sau thông tin này, Ocean Group cho biết đang cố gắng khắc phục, giảm dần số lượng, giá trị của các ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính. Cụ thể, năm 2018, báo cáo tài chính kiểm toán nhận đến 5 ý kiến ngoại trừ nhưng giảm dần qua thời gian và đến báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm chỉ còn 1 ý kiến.
Đất Xanh muốn huy động 300 triệu USD từ trái phiếu quốc tế
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) vừa thông qua điều chỉnh phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế năm 2021 với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD.
Cụ thể, công ty dự kiến huy động vốn từ phát hành trái phiếu để thực hiện chương trình đầu tư bằng hình thức mua cổ phần phát hành mới tại Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An và chi trả các chi phí liên quan đến việc tăng vốn góp theo phương án sử dụng vốn.
Hồi tháng 3, Đất Xanh đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu và cho biết đã thu về 370 tỷ đồng sau khi phân phối cho 12 nhà đầu tư.
Chính phủ đề xuất gói miễn, giảm thuế hơn 21.300 tỷ đồng
Ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, gói miễn, giảm thuế này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng.
Tại dự thảo lần này, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế GTGT từ ngày 1/10/2021 đến hết 31/12/2021 với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc triển khai sớm các giải pháp hỗ trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các doanh nghiệp đang gặp rất khó khăn. Ngay tại 8 tỉnh không có dịch thì doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, thị trường, lao động…
Sau khi nghe các báo cáo, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết theo các ý kiến đã được nêu tại phiên họp để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10.
Bình luận