Thị trường quảng cáo số tại Việt Nam thời COVID-19 thế nào?

Thị trườngThứ Ba, 17/08/2021 11:26:00 +07:00
(VTC News) -

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm được ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng Việt.

Hàng năm, Công ty quảng cáo Adsota đều nghiên cứu và phát hành báo cáo thị trường quảng cáo số tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin và cái nhìn toàn cảnh về thay đổi, xu hướng mới trong quảng cáo số và hành vi người tiêu dùng.

Năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá” được Adsota phát hành đầu tháng 6 mang đến cái nhìn toàn cảnh về sự thay đổi của thị trường quảng cáo số Việt Nam trong giai đoạn “bình thường mới” cũng như những kinh nghiệm thực chiến qua mùa dịch của các thương hiệu lớn tại Việt Nam.

Theo đó, trước sự tác động và thay đổi mạnh mẽ hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong mùa dịch.

70% dân số dành 1/3 thời gian mỗi ngày để truy cập Internet trong mùa dịch – “mỏ vàng” cho tiếp thị số doanh nghiệp

Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet lớn trên thế giới. Với dân số khoảng 98 triệu người, độ tuổi trẻ, lượng người truy cập Internet tại nước ta lên tới 70% dân số với 155 triệu thuê bao di động, đứng thứ 5 toàn cầu về tỷ lệ thuê bao trên dân số cả nước. Nhờ chi phí Internet thấp nhưng tốc độ kết nối lại cao, thời gian người dân dành thời gian lên mạng rất nhiều và diễn ra thường xuyên.

Năm 2019, trung bình mỗi người Việt dành khoảng 6,5 tiếng/ngày để truy cập Internet. Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế càng khiến cho lượng thời gian này tăng lên tới gần 7 tiếng/ngày.

Tăng trưởng người dùng 41%, sàn thương mại điện tử tại Việt Nam bước vào thời kỳ “vàng son”

Đại dịch COVID-19 tuy gây ra không ít khó khăn nhưng cũng là “cú hích” lớn cho các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong năm vừa qua.

Thị trường quảng cáo số tại Việt Nam thời COVID-19 thế nào? - 1

Dịch COVID-19 cũng là "cú hích" cho sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. 

Thời điểm đại dịch bùng phát, TMĐT Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Sự tăng trưởng đột phá này là do quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ chính phủ khiến người tiêu dùng phải tìm cách thích nghi với việc mua sắm từ xa mà không phải bước chân ra khỏi nhà.

Theo báo cáo từ Adsota, 41% là con số ghi nhận tăng trưởng người dùng mới từ các nền tảng TMĐT tại Việt Nam. Đáng chú ý, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT này kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.

Cũng theo báo cáo của Adsota, nhiều doanh nghiệp lớn đã thành công trong việc tiếp cận người dân trong mùa dịch như Lazada, Bộ Y Tế, Daikin hay PizzaHome.

Giá cả không còn là mối quan tâm hàng đầu

Trước ảnh hưởng rõ rệt của đại dịch COVID-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, họ có xu hướng mua online nhiều hơn.

Những mặt hàng có mức chi tiêu tăng trưởng mạnh trong mùa dịch là các mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), dịch vụ Internet, nhà ở & tiện ích và chăm sóc sức khoẻ.

Thị trường quảng cáo số tại Việt Nam thời COVID-19 thế nào? - 2

Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm online nhiều hơn. 

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá cả không còn là yếu tố hàng đầu trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Thời điểm này, khách hàng có xu hướng tiết kiệm hơn, nhưng thay vì lựa chọn những mặt hàng giá rẻ họ lại quan tâm tới những sản phẩm có chất lượng tốt và có lợi cho sức khoẻ.

Đơn cử như ở mặt hàng thực phẩm, số liệu khảo sát cho thấy hơn 60% hộ gia đình Việt sử dụng đồ uống không đường hoặc ít đường. Các sản phẩm thay thế sữa hoặc không có sữa cũng đang dần phổ biến ví dụ như “sữa hạt” – đồ uống làm từ các loại hạt được cho là bổ dưỡng hơn đối với sức khoẻ tim mạch so với sữa thông thường.

Trong khi đó, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng đối với mặt hàng điện tử. Tuy nhiên 2 tiêu chí khiến khách hàng “xuống tiền” cho mặt hàng này lại là chất lượng cao và thương hiệu uy tín lâu đời.

Bằng Lăng(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp