• Zalo

Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo 'tạm biệt' 1.870 tỷ đồng

Kinh tếThứ Ba, 29/05/2018 08:12:00 +07:00Google News

Phiên giao dịch đầu tuần mới, VJC của Công ty cổ phần hàng không Vietjet giảm 11.100 đồng/CP, dừng ở mức 148.400 đồng/CP, khiến vốn hóa thị trường Vietjet 'hao hụt' 5.010 tỷ đồng.

Sau chuỗi lao dốc liên tiếp của tuần giao dịch trước, vốn hóa thị trường sàn TP.HCM đã “bốc hơi” 6,6 tỷ USD. Tiếp đà rơi tự do đó, chào tuần mới, VN-Index thậm chí còn giảm sốc hơn. Đóng cửa phiên 28/5, VN-Index giảm 32,15 điểm, tương ứng 3,34% xuống 931,75 điểm.

Toàn sàn ghi nhận tới 265 mã giảm giá, 35 mã đứng giá và chỉ 40 mã tăng giá. Rất nhiều mã nằm sàn khiến vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 97.276 tỷ đồng (khoảng 4,29 tỷ USD). Chỉ trong một phiên, số lượng mất mát của HoSE gần bằng lượng thiệt hại trong cả tuần trước.

VJC của Công ty cổ phần hàng không Vietjet cũng nằm trong danh sách các mã giảm mạnh nhất cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. VJC dừng ở mức 148.400 đồng/CP sau khi giảm 11.100 đồng/CP. VJC khiến vốn hóa thị trường Vietjet hao hụt 5.010 tỷ đồng.

Cổ phiếu VJC giảm sốc khiến tài sản của các cổ đông hao hụt trầm trọng. Trong đó, là cổ đông lớn nhất tại Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet phải chứng kiến khối tài sản "bốc hơi" 1.870 tỷ đồng.

cp_ngan_hang

Sau khi vượt xa mốc 1.000 điểm, VN-Index được dự báo sẽ giảm để giúp chu kỳ tăng giá vững vàng hơn. Thế nhưng, dù đi đúng theo xu hướng giảm đã được đoán trước, VN-Index vẫn khiến nhà đầu tư sốc khi giảm quá sâu. 

Khác với tuần trước, trong tuần này, rất nhiều cổ phiếu lớn có tên trong danh sách “tội đồ” của VN-Index. Với việc có thị giá lớn và lượng cổ phiếu lưu hành lớn, GAS của Tổng công ty khí Việt Nam “đóng góp” không nhỏ vào đà “bốc hơi” của vốn hóa thị trường HoSE. Đóng cửa phiên giao dịch 28/5, GAS giảm sàn, giảm 7.300 đồng/CP xuống 98.000 đồng/CP. Cổ phiếu này chính thức rời khỏi “câu lạc bộ các mã có thị giá trên 100.000 đồng”. Kết quả là vốn hóa thị trường GAS hao hụt 13.972 tỷ đồng (khoảng 615 triệu USD).

Cổ phiếu ngân hàng cũng đua nhau nằm sàn. BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm 1.900 đồng/CP xuống 25.800 đồng/CP. Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) giảm 1.800 đồng/CP xuống 24.350 đồng/CP. Cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) giảm 2.450 đồng/CP xuống 32.800 đồng/CP. Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm 2.900 đồng/CP xuống 38.800 đồng/CP,…

Đua nhau giảm sàn, các cổ phiếu BID, CTG, HDB, VPB lần lượt khiến vốn hóa thị trường của các ngân hàng BIDV, VietinBank, HDBank và VPBank lần lượt “bốc hơi” 6.496 tỷ đồng, 7.862 tỷ đồng, 2.452 tỷ đồng và 4.342 tỷ đồng.

Xét về mức giảm tuyệt đối, VCF của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa dẫn đầu toàn sàn TP.HCM. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VCF giảm 12.800 đồng/CP xuống 171.200 đồng/CP. VCF đã “móc túi” 340 tỷ đồng của Vinacafé Biên Hòa.

Đứng sau VCF là cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Chốt phiên, PNJ giảm sàn, giảm 12.100 đồng/CP xuống 161.900 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường PNJ “bay hơi” 1.308 tỷ đồng.

doanh-nhan-nguyen-thi-phuong-thao-tong-giam-doc-vietjet-air-nguoi-giu-lua-khat-vong-bay-xa-cho-vietjet1476209621

Cổ phiếu VJC giảm sốc khiến tài sản của các cổ đông hao hụt trầm trọng. Trong đó, cổ đông lớn nhất tại Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet phải chứng kiến khối tài sản "bốc hơi" 1.870 tỷ đồng.

Đứng trước đà rơi tự do của thị trường chứng khoán Việt Nam, Bloomberg đã phải đưa ra những bình luận, chứng khoán Việt Nam đã từng là thị trường tăng trưởng tốt nhất châu Á nhưng hiện tại, chứng khoán Việt Nam đang có thời kỳ tồi tệ nhất trong 2 năm trở lại đây.

Tyler Cheung, Giám đốc khối khách hàng định chế kiêm Trưởng phòng phân tích công ty Chứng khoán ACB, nhận định: "Tâm lý tiêu cực vẫn còn trên thị trường khi dòng tiền vẫn yếu. Tâm lý tiêu cực một phần tới từ việc khối ngoại liên tục bán ròng. Trong khi đó, không có nhiều tin tức tích cực hỗ trợ thị trường ở thời điểm hiện tại".

Các công ty chứng khoán trong nước cũng đang rất lo ngại cho thị trường. Công ty chứng khoán BSC nhận định trong bối cảnh lực bán vẫn nhiều hơn lực cầu bắt đáy thì thị trường vẫn sẽ có những nhịp điều chỉnh tiếp theo trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên đứng ngoài và cẩn trọng theo dõi thị trường trước khi đưa ra quyết định bắt đáy.

Trong điều kiện thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hầu hết các cổ phiếu trụ cột đều đã vi phạm tiêu chuẩn xu hướng tăng trung và dài hạn, thì bất cứ biến động bất thường nào từ các blue-chips cũng tiềm ẩn nguy cơ kích hoạt tâm lý hoảng loạn lan rộng trên thị trường.

Công ty chứng khoán FPTS đưa ra lời khuyên tương tự khi cho rằng diễn biến này chứng minh cho quan điểm rằng VN-Index vẫn đang trong xu hướng giảm và vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với các vị thế ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đứng ngoài quan sát, hạn chế hoạt động bắt đáy trong giai đoạn này.

Video: Những tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn