"Chúng tôi là bạn thân nhiều năm qua. Ông ấy khỏe mạnh và không mắc bệnh gì. Vậy nên không ai ngờ tình trạng của ông ấy xấu đi nhanh chóng và trở nên nghiêm trọng đến vậy", Song Jianxin, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Tongji và là đồng nghiệp nhiều năm của bác sỹ Lin cho hay.
Theo Song, người đồng nghiệp xấu số nhắn tin nhờ ông giúp đỡ sau khi được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên khi đó, tình trạng của bác sỹ Lin đã hết sức nghiêm trọng, ông không thể nói chuyện và phải dùng tới máy thở.
"Bác sĩ Lin qua đời chưa đầy một tháng sau khi xác nhận bị lây nhiễm virus corona", ông Song nói.
Bác sỹ Lin là một chuyên gia ghép thận kỳ cựu tại bệnh viện Tongji (Vũ Hán) với hơn 30 năm kinh nghiệm. Trong mắt đồng nghiệp, ông là người hiền lành, ít nói.
Một bác sỹ giấu tên cho biết bác sỹ Lin có thể đã nhiễm virus khi đi thăm khám tại khoa khám bệnh ngoại trú đông bệnh nhân.
SCMP hôm 11/2 dẫn nhiều nguồn tin y tế cho biết ít nhất 500 nhân viên y tế ở Vũ Hán nhiễm virus corona chủng mới, làm dấy lên thêm mối quan ngại về rủi ro với các y bác sỹ khi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh.
Các nguồn tin này khẳng định mặc dù chính phủ thống kê một số trường hợp nhân viên y tế nhiễm bệnh, nhưng con số đó không phản ánh quy mô thực tế. Nhiều y bác sỹ được khuyến cáo không nên công khai tình trạng bệnh ra bên ngoài.
Một nghiên cứu của các bác sỹ tới từ Bệnh viện Trung Nam đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ tuần trước cho thấy ít nhất 40 nhân viên y tế tại bệnh viện này nhiễm bệnh sau khi điều trị cho các bệnh nhân.
Ngoài việc cản trở nỗ lực của các bệnh viện trong việc đối phó với dịch, các chuyên gia y tế tin rằng tỷ lệ lây nhiễm ở các nhân viên tuyến đầu cho thấy dịch viêm phổi cấp dễ dàng lan truyền cũng như nguy cơ lây nhiễm virus trong bệnh viện.
Một bác sỹ ở bệnh viện tại Vũ Hán cho biết sự phát triển tiêu cực này ảnh hưởng tới tinh thần của các y bác sỹ. Nhiều người bị sốc, cảm thấy bất lực khi nhìn thấy kết quả xét nghiệm của đồng nghiệp.
"Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi hỗ trợ vật tư y tế, đặc biệt là quần áo bảo hộ. Chúng tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp ngã bệnh vì không được bảo vệ đầy đủ", ông này cho hay.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng sự thiếu hụt thiết bị bảo hộ, thời gian làm việc kéo dài và thiếu nhận thức về mức độ lây nhiễm của virus là nguyên nhân chính khiến số ca nhân viên y tế nhiễm bệnh gia tăng.
Bình luận